Đào tạo nghề cho nông dân

02:12, 02/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo dõi phiên chất vấn các Bộ trưởng trước Quốc hội, cử tri ngạc nhiên khi đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cho Bộ trưởng LĐ-TB&XH về vấn đề đào tạo nghề cho nông dân, thì lĩnh vực này lại thuộc về Bộ NN&PTNT(!). Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phải đứng lên giải trình, trả lời những câu hỏi này. Xem ra, khi đại biểu Quốc hội cũng chưa nắm rõ công việc này thuộc Bộ nào quản lý, thì làm sao người dân, nhất là nông dân, biết được những chương trình mục tiêu liên quan trực tiếp tới mình như thế thuộc Bộ hay ngành nào quản lý?

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho nông dân, Bộ NN&PTNT đã triển khai trong năm 2013 có 203.119 nông dân (tính đến số lẻ) được đào tạo nghề, trong đó 88,2% có việc làm sau đào tạo. Con số này, theo Bộ trưởng Phát, là do các địa phương báo cáo lên. Nhưng nhiều người quan tâm và am hiểu về nghề nghiệp của nông dân đều nhận định rằng con số 88,2% nông dân có việc làm sau đào tạo là một con số…ảo.

Nếu quả thật có kết quả mỹ mãn như thế từ chương trình đào tạo nghề cho nông dân, thì không có chuyện đang xảy ra ở diện rộng trên địa bàn nông thôn miền Bắc và miền Trung: Nông dân-nhất là những người trong độ tuổi lao động-đồng loạt bỏ, quê bỏ ruộng lên các thành phố làm thuê làm mướn, mà hầu hết là làm những việc ít kỹ năng, làm “thợ đụng” chứ không phải thợ đã qua đào tạo và có tay nghề. Phải nhìn nhận một thực tế như vậy để thấy, việc đào tạo nghề cho nông dân là một việc khó, rất khó, chứ không thể có ngay những “con số đẹp” như các báo cáo từ địa phương gửi lên.

Lâu nay, ở một địa phương có tỷ lệ nông dân cao như Quảng Ngãi, chương trình dạy nghề cho nông dân mặc dù được triển khai nhưng thu được kết quả hết sức hạn chế. Có nơi trong tỉnh còn dạy nông dân…nấu ăn, và coi đó như…dạy nghề. Dĩ nhiên, nấu ăn là một nghề, nhưng không hề dễ dàng để nông dân có thể sau một lớp học như thế về nghề đầu bếp là có thể vào làm việc ngay trong các nhà hàng hay khách sạn. Còn học chỉ để nấu canh rau muống hay kho cá vụn, thì nông dân không cần qua trường lớp đào tạo vẫn biết làm.

Triển khai tới 132 nghề (chưa thấy bảng thống kê là những nghề gì) để dạy cho nông dân, “phổ nghề” này thật quá rộng. Nhưng trong 132 nghề ấy, thì những nghề nào nông dân “học” xong có thể “hành” ngay được để kiếm sống, lại chưa nghe Bộ trưởng nói tới. Còn nếu dạy tới 132 nghề mà học xong, nông dân vẫn không có việc làm, vẫn không sống nổi với nghề trồng lúa, không trụ được ở ngay quê hương mình, thì coi như chương trình dạy nghề cho nông dân có nguy cơ phá sản.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tới hết năm 2015 sẽ có 1,6 triệu nông dân/4,7 triệu nông dân được đào tạo nghề, một con số rất ấn tượng! Nhưng với 1,6 triệu nông dân đã qua đào tạo nghề ấy, thì bao nhiêu người có thể “hành nghề” mới học và kiếm sống được hay có thu nhập tốt từ nghề ấy, thì quả thật không ai dám đưa ra con số thật.

Đào tạo nghề cho nông dân, một chủ trương đúng nhưng để thực hiện được hiệu quả thì không hề dễ dàng.
 
 
Thanh Thảo
 

.