(Báo Quảng Ngãi)- Còn một tháng nữa mới tới Tết, nhưng “không khí” đón xuân dường như đã thập thò nơi đầu ngõ của mọi nhà. Người nông dân “đón” Tết bằng vườn hoa chuẩn bị cho vào chậu để bán dịp cuối năm, “đón” bằng vườn gừng để làm mứt Tết, “đón” bằng rẫy kiệu để làm dưa món… Riêng những người làm công ăn lương, đặc biệt là những công nhân trực tiếp sản xuất thì lo chuyện thưởng Tết. Hầu như năm nào cũng vậy, chuyện thưởng Tết giữa các cơ quan nhà nước, giữa các công ty, đơn vị sản xuất với nhau, bao giờ cũng được mang ra mổ xẻ, đem lên “bàn cân” để đong đếm. Lo nhất, cũng là sợ nhất của công nhân là phải nhận chính sản phẩm của mình làm ra để thay thế tiền thưởng.
Còn nhớ cách đây chừng 15 năm, một nhà máy làm sữa đậu nành thủ công (không phải Nhà máy sữa Vinasoy hiện nay) tại Khu công nghiệp Quảng Phú thưởng Tết cho công nhân của mình bằng... 5 két sữa. Công nhân của nhà máy đó phải huy động cả nhà và người của hai bên nội ngoại mới “tiêu thụ” hết số sữa nọ. Một siêu thị ở thị trấn Sơn Tịnh đã “thưởng” cho công nhân của mình bằng mấy giỏ cam tươi. Công nhân của siêu thị này cũng đã dùng cam tươi thay... bánh tét trong những ngày Tết. Sữa và cam là những loại thực phẩm không phải hạng xoàng, song đem cấn trừ tiền thưởng cho công nhân là một việc làm “quá đáng”. Lý do là các loại sản phẩm này ế ẩm, bán không được nên các ông chủ đã đẩy cái khó về phía người lao động.
Những tưởng thưởng bằng sản phẩm đã chấm dứt từ lâu thì năm nay lại “tái xuất”. Có những món quà thưởng Tết rất kỳ cục mà nói ra rất khó tin. Một nhà máy gạch ở TP. Thái Nguyên đã thưởng cho công nhân của mình 200 viên gạch. Công ty Dệt Hoàng Mai- Hà Nội thì thưởng cho công nhân của mình... 70 chiếc quần đùi. Một công ty khác ở Hà Nội thì thưởng cho công nhân bằng nhang! Nếu theo logic của câu chuyện “sản xuất thứ gì thưởng thứ ấy”, thì các công nhân sản xuất thuốc trừ sâu, chắc là nghỉ việc sớm!
Đành rằng, số tiền lương hay thưởng Tết phụ thuộc phần lớn và hiệu quả lao động trong năm của đơn vị đó, song việc “cấn trừ” bằng sản phẩm như thế nó phản ánh sự yếu kém của người quản lý. Núp dưới chiêu bài là “chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, song các ông chủ đã có cách hành xử không tử tế với công nhân của mình. Tất nhiên, cái gọi là thưởng bằng sản phẩm như thế không phải là phổ biến mà đa số các doanh nghiệp, nhà máy đều thưởng cho người lao động bằng tiền. Có nơi, tiền thưởng lên đến hàng trăm triệu, song có chỗ cũng chỉ thưởng vài ba trăm ngàn mang tính tượng trưng. Nhưng dù gì thì cũng không nên “thưởng bằng hiện vật” như những trường hợp vừa kể trên đây.
TRẦN ĐĂNG