Thư lại bất tài còn hại hơn lũ lụt

11:04, 11/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại sao người dân mỗi khi có việc tới cửa công lại sợ? Không phải sợ tòa nhà công quyền, mà sợ những nhân viên đang “chiếm giữ” trong tòa nhà đó. Đảng và Chính phủ đã hơn một lần phải kêu lên về con số “30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về”. Lâu nay người ta mới thấy sự lãng phí do phải trả lương cho “một bộ phận không nhỏ” nhân viên này, mà quên đi sự lãng phí còn lớn hơn.

Không phải lãng phí chất xám, vì chất xám ở bộ phận này quá eo hẹp, mà lãng phí niềm tin của nhân dân, của cải nhà nước, và nhất là lãng phí khi cả khối công việc phải trì trệ, đình đốn, không tìm được hướng giải quyết, hoặc được giải quyết một cách tắc trách, gây tác hại nghiêm trọng.

Có một nhà kinh tế đã viết: “Sức phá hoại của kẻ vô công rỗi nghề đi làm cán bộ quan chức còn hơn cả thiên tai lũ lụt. Thiên tai phá hoại đê điều hay cầu cống có thể xây lại, còn nhân tai phá hoại niềm tin thì còn lâu mới cứu được”. Nghe mà giật mình, nhưng nghĩ kỹ, lại thấy lời nói thẳng thừng này có hạt nhân hợp lý. Cái vô tích sự nhiều khi còn hại hơn cả sự phá hoại, vì nó núp dưới cái bóng của sự an toàn, nó tránh né sự kiểm tra, nó bao biện cho thói vô trách nhiệm và sự bất tài. Mà kết quả khi công việc đình đốn, công trình đổ vỡ thì chẳng ai chịu trách nhiệm. Bây giờ nói chuyện giảm biên chế thì ai cũng cho là việc phải làm, nhưng làm như thế nào? Không khéo, như có thời đã xảy ra, trong cơ quan thì người bị “tinh giản biên chế” lại là người làm việc tốt, còn người không làm gì cả có khi vẫn yên vị ngồi lại, vì họ chẳng động chạm tới ai, có khi còn được lòng thủ trưởng vì họ khéo nịnh.

Người làm việc tốt thường thẳng tính, hay nói, nên khó được lòng những thủ trưởng chỉ quen nghe những lời đường mật. Còn người bất tài vô tướng lại được “trời phú” cho sự khôn ranh, họ biết “gió chiều nào che chiều ấy”, biết lấy lòng thủ trưởng, biết nói xấu đồng nghiệp một cách “khách quan”, chỉ có tội là không biết làm việc, những việc thuộc trách nhiệm của họ.

Với chủ trương tinh giản biên chế của nhà nước khi bộ máy công quyền đã phình to tới mức khó có thể chịu đựng, mà năng suất lao động thì thấp tới mức khó tưởng tượng, liệu có cách nào “tái cơ cấu” lại bộ máy hành chính để không còn danh xưng “hành là chính”? Tôi nghĩ, hãy bắt đầu từ “khâu thủ trưởng”. Cấp trên phải giao việc trực tiếp cho thủ trưởng cấp dưới, kèm yêu cầu về thời hạn hoàn thành và chất lượng công việc. Khi đó, thủ trưởng nhận việc trực tiếp sẽ có cách để “tái cơ cấu” lại bộ máy hành chính của mình. Những ai làm việc tốt sẽ lộ diện, còn những ai không làm việc được cũng sẽ hết “chỗ núp”. Sau khi công việc được hoàn thành, thủ trưởng sẽ nhận xét từng thuộc cấp của mình, và sẽ tìm ra những vị trí nhân sự cần điều chỉnh, thay đổi hay cho nghỉ việc. Tất cả đều vì mục tiêu hoàn thành công việc, chứ không vì những tiêu chí chung chung vô thưởng, vô phạt.    

Thanh Thảo
 


.