(Báo Quảng Ngãi)- Tham lam vốn là thuộc tính của con người. Vì thế, với những người được cơ quan, đơn vị giao giữ tiền, quản lý tài chính, thì lòng tham đó sẽ có điều kiện sinh sôi, nếu như thiếu đi sự công khai, minh bạch, sự giám sát chặt chẽ và có trách nhiệm của người dân.
Ngược lại, nếu như đồng tiền của Nhà nước được quản lý bằng một phương pháp khoa học, tính minh bạch được đặt lên hàng đầu thì người giữ tiền sẽ khó có cơ hội để thực hiện lòng tham.
Sự việc một số cán bộ vừa bị phạt tù ở xã Ba Giang (Ba Tơ) và cán bộ làm công tác chính sách ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) "ẵm tiền chế độ chính sách" vừa được báo chí phanh phui đã phần nào minh chứng cho lòng tham đó.
Thật đau xót! Kẽ hở dễ thấy nhất để dẫn dắt lòng tham của những cán bộ này là thiếu đi sự giám sát của người dân. Trên 100 trường hợp không tham gia kháng chiến vẫn được công nhận bệnh binh, để nhận tiền ở Ba Giang, nếu được công khai danh tính số người này trước dân làng, chắc chắn sẽ không có chuyện thất thoát của Nhà nước trên 5 tỷ đồng.
Trường hợp vừa mới được báo chí phát hiện ở phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi cũng vậy. Vì thiếu sự công khai minh bạch, nên lòng tham đã chui vào kẽ hở ít ai ngờ tới. Đó là ăn chặn tiền hỗ trợ của tỉnh cho cán bộ hưu trí ăn Tết. Số tiền ở đây tuy không nhiều, song nó chạm đến chuyện nhạy cảm nhất, đó là tham nhũng ngay trên mồ hôi, nước mắt của những cán bộ hưu trí.
Mỗi năm, người dân phải đóng góp không biết bao nhiêu khoản tiền mà ở xã, phường đi “vận động”. Nơi nào mà trong buổi sinh hoạt khu dân cư, tổ dân phố công khai các khoản chi, thì người dân còn biết đồng tiền của mình được đi về đâu. Ngược lại, những nơi nào còn xem chuyện công khai các khoản nghĩa vụ và quyền lợi như “vùng cấm”, thì chuyện tiêu cực ắt sẽ xảy ra là điều không tránh khỏi.
TRẦN ĐĂNG