Hành trình "Theo dấu chân thần tốc và rước Bác Hồ vào thăm miền Nam"

01:03, 23/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sau 5 ngày xuất phát, trưa 22.3.2015, Hành trình “Về nguồn với đất phương Nam” của gần 300 cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc đã dừng chân viếng thăm Khu di tích nữ liệt sĩ Anh hùng Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ - Quảng Ngãi).

Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Trung tâm Giáo dục truyền thống và Lịch sử (Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương tổ chức chuyến đi “Về nguồn với đất phương Nam” mang chủ đề “Theo dấu chân thần tốc và Rước Bác Hồ vào thăm miền Nam”.

Ông Lê Xuân Liêm– Giám đốc Trung tâm, Trưởng ban tổ chức chuyến đi cho biết: “Đây là chuyến đi nhằm thực hiện di nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời ước ao vào với miền Nam ruột thịt và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chuyến đi còn mong muốn kết nối cộng đồng, kết nối các thế hệ người Việt Nam cùng hướng tình cảm thiêng liêng về Bác Hồ kính yêu; về với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bao đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Qua đó, bồi đắp lòng yêu nước cho tuổi trẻ, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

 

Tìm hiểu cuộc sống chiến đấu của nữ liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại Khu di tích.
Tìm hiểu cuộc sống chiến đấu của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại Khu di tích.


Tại các địa phương chuyến đi “Theo dấu chân thần tốc và Rước Bác Hồ vào thăm miền Nam” dừng chân, đông đảo cựu chiến binh, nhân dân chào đón. Đoàn đã đi qua rất nhiều miền quê, địa danh lịch sử nổi tiếng.

Tờ mờ sáng, chúng tôi đã bắt đầu lên đường xuôi về phương Nam đến Khu di tích  Đặng Thùy Trâm. Hồi hộp đợi chờ, bao cảm xúc lắng đọng. Cái nắng như đổ lửa khi trời chưa chớm hạ vẫn không ngăn nổi bước chân của những người con Đức Phổ Anh hùng đến chào đón đoàn tại khu di tích này.

Khi đoàn xe dừng bánh hẳn, những cái bắt tay chào hỏi của những cựu chiến binh Quảng Ngãi với cựu chiến binh thủ đô mà tôi chắc họ chưa một lần quen nhau trong đời sao lại thắm thiết đến thế. Xúc động, nghẹn ngào, khóe mắt nhiều cựu thanh niên xung phong một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước rưng rưng ngấn lệ nhưng là lệ mừng, lệ tự hào vì tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của bao thế hệ cha anh đi trước…

Chị Nguyễn Phi Nga – một người con gái thủ đô tham gia hành trình này bảo với tôi rằng: Tuyệt vời quá. Mỗi nơi tôi được đến là được học thêm một bài học lịch sử vô cùng ý nghĩa. Chị Nga kể rằng ở Thủ đô chị hay đến gia đình nữ bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm chuyện trò cùng mẹ chị và thắp hương cho chị Trâm. Cho đến hôm nay đây, chị đã được đặt chân đến nơi chị Trâm đã chiến đấu và để lại xương thịt của mình. Chị Nga lại kính cẩn thắp cho chị Trâm một nén hương với bao thành kính và thầm hứa rằng thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi noi gương chị, cống hiến hết mình cho Tổ quốc thân yêu.

Trưởng ban Tổ chức chuyến đi, ông Lê Xuân Liêm – Giám đốc Trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử nói: “Đoàn có nhiều cựu chiến binh gần 90 tuổi, ít tuổi nhất cũng là những cựu binh 60 rồi nhưng sau 5 ngày theo dấu chân thần tốc và rước Bác Hồ vào với miền Nam ai cũng khỏe mạnh, vui vẻ”.

Chuyến đi này có đến 45 thành viên là cựu chiến binh, thương binh đã từng tham gia chiến dịch ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và chiến dịch Mùa xuân 1975. Cựu chiến binh Lê Đình Thái – Trung đoàn Tên lửa 263 Pháo phòng không – không quân bồi hồi, xúc động: “Tôi ước ao có một ngày được trở lại thăm chiến trường xưa. Ước ao ấy hôm nay đã thành hiện thực. Đường xa mà chân vẫn khỏe, lòng rất vui, vui lắm, vui không tả nổi”.

Bà Đoàn Thị Lợi- cựu chiến binh TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh lại lắng lọc bao cảm xúc của người phụ nữ từng đi qua chiến tranh. Nhớ đồng đội đã hy sinh, nên cứ mỗi lần ghé vào nghĩa trang, ghé qua di tích lịch sử, bà Lợi lại lặng lẽ thắp hương cầu nguyện. Bà Lợi bảo rằng: Đất nước độc lập, hòa bình rồi lòng lại càng thương nhớ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để dân tộc Việt Nam có ngày hôm nay no ấm, hạnh phúc.

Dù cuộc dừng chân tại Khu di tích nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ở Đức Phổ, Quảng Ngãi tuy chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng quãng thời gian ấy đã cho chúng tôi cơ hội được nghe nhiều tâm sự của các thành viên chuyến đi. Xúc động thay khi nghe chị Chu Thị Lệ Hằng, có cha là liệt sĩ Chu Diệu, hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh tâm sự rằng: Trong suốt hành trình, nơi nào tôi cũng thấy như có hình bóng ba tôi cười tươi phía trước.

 

Đặt hoa, trái cây dưới chân tượng đài nữ liệt sĩ  bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Đặt hoa, trái cây dưới chân tượng đài nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.


Trước lúc chia tay, Trưởng ban tổ chức hành trình ông Lê Xuân Liêm – Giám đốc Trung tâm giáo dục lịch sử nhắn với tôi rằng: Hành trình cảm ơn nhân dân các địa phương đã dành cho đoàn tình cảm đặc biệt nồng hậu. Hành trình vẫn còn tới 9 ngày nữa mới kết thúc, nhưng có lẽ thời gian sẽ là rất ngắn cho một cuộc hành quân vô cùng ý nghĩa.

                           

THANH NHỊ


.