Hồi ức về nước Nga

03:11, 08/11/2015
.
0:00
0:00

(Báo Quảng Ngãi)- Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11) là những cựu sinh viên từng học tập ở Nga, những người yêu nước Nga và yêu Văn học Nga ở Quảng Ngãi lại tổ chức buổi gặp mặt ấm áp. Tại đây, các cựu sinh viên cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống của đất nước Nga. Trong mỗi người, hình ảnh về đất nước Nga xinh đẹp với những hàng dương xanh rì, những cánh đồng Nga mộc mạc, những con đường phủ tuyết trắng xóa hay đơn giản chỉ là những chú lật đật đáng yêu mang đậm nét văn hóa của đất nước Nga luôn hiện diện.
 

Ông Phạm Hữu Tôn xúc động khi cầm trên tay những tấm ảnh kỷ niệm về nước Nga.
Ông Phạm Hữu Tôn xúc động khi cầm trên tay những tấm ảnh kỷ niệm về nước Nga.

Xứ sở Bạch Dương luôn ở trong tim

Mặc dù các cựu sinh viên Nga đã trở về quê hương để sống, làm việc từ hàng chục năm nay, nhưng trong lòng mỗi người đều không quên những ký ức tốt đẹp khi còn học ở đất nước này. Ông Lê Văn Nhân (84 tuổi), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga, kể về đất nước Nga trong niềm tự hào: Năm 1955, ông được sang Nga học Ngữ văn. Bốn năm sau ông tốt nghiệp và trở về dạy tiếng Nga tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Sau giải phóng, ông về giảng dạy tại Trường ĐHBK Đà Nẵng. Một thời gian sau ông chuyển công tác về Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi (nay là Trường ĐH Phạm Văn Đồng). Đối với ông, nước Nga giống như một thiên đường. Con người Nga sống cởi mở, chan hòa. “Họ đối xử rất tốt với sinh viên Việt Nam và coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Các thầy giáo cô giáo nhiệt tình trong chuyên môn và rất tình cảm. Chính họ đã giúp chúng tôi cảm nhận được nét đẹp của con người nơi đây”, ông Nhân, tâm sự.

Phong cảnh thiên nhiên nước Nga cũng để lại nhiều ký ức đẹp trong lòng các cựu sinh viên. Năm 1962, ông Phạm Hữu Tôn được Đảng và Nhà nước đưa đi học tại Trường Năng lượng Điện Mát-xcơ-va của nước Nga. Đây được xem là ngôi trường sáng giá của đất nước này. Năm 1968, ông trở về quê hương và công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bưu điện rồi đến Chủ nhiệm Ủy ban KHKT tỉnh Nghĩa Bình.
 

“Tôi sinh ra ở Việt Nam, nhưng trưởng thành ở nước Nga- Xô Viết. Nước Nga là quê hương thứ hai của tôi. Chính nơi đây đã giúp tôi lĩnh hội được nền giáo dục đặc biệt và trở thành người có ích cho quê hương, đất nước..." - ông Phạm Hữu Tôn- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xúc động nói về đất nước Nga.
Năm 1989, ông làm Chủ nhiệm Ủy ban KHKT tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, năm 1990 ông được giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sau gần 50 năm xa cách nhưng trong ông vẫn luôn lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc về nước Nga. Cầm trên tay những hình ảnh lúc còn học ở Nga, những kỷ niệm của một thời trai trẻ lại hiện về bên ông. Ông Tôn rưng rưng nước mắt: Những ngày cuối tuần, nhóm sinh viên lớp tôi thường ra ngoại ô Mát-xcơ-va để đi dạo và ngắm rừng dương, ngắm những vẻ đẹp theo bốn mùa rõ nét rất riêng của nước Nga.

Có dịp là trở lại nước Nga

Là một trong số những thế hệ sau này đến Nga du học, ông Phạm Ngọc Lâm (53 tuổi), hiện làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng có 9 năm sống và học tập tại đất nước Nga tươi đẹp. Cũng như bao cựu sinh viên khác, ông Lâm luôn dành một tình cảm đặc biệt cho đất nước và con người Nga. Ông thổ lộ: Hai nước có tình cảm sâu đậm từ khi Bác Hồ sang tìm đường cứu nước.
 
Đặc biệt, nước Nga đã có nhiều giúp đỡ đối với đất nước Việt Nam trong cả hai cuộc đấu tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược. Chính mối quan hệ gắn bó đấy nên người Nga luôn luôn gần gũi, giúp đỡ sinh viên Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Lâm (đầu tiên bên trái) cùng các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Đỏ Mát-xcơ-va năm 1986.
Ông Phạm Ngọc Lâm (đầu tiên bên trái) cùng các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Đỏ Mát-xcơ-va năm 1986.


Giáo viên ở Nga không chỉ dạy cho sinh viên kiến thức mà còn có tình cảm đặc biệt đối với người Việt. Khi sinh viên ốm đau, các thầy giáo, cô giáo liền đến nhà thăm và mời sinh viên Việt Nam về nhà chơi vào dịp cuối tuần, lễ, Tết cổ truyền. Người dân Nga bình thường cũng rất yêu quý người Việt Nam. Ông Lâm nhớ lại: “Có lần tôi ra chợ và mua dưa hấu về ăn. Khi người bán hàng biết chúng tôi là người Việt Nam, ông liền nói: Người Việt Nam Anh hùng. Người Việt Nam dũng cảm! Rồi chọn quả dưa hấu to nhất và lau thật sạch cho luôn chúng tôi”.

Sau khi trở về quê hương, ông Lâm luôn mong muốn được trở lại nước Nga - nơi đã giúp ông có được một cuộc sống như ngày hôm nay. Đến năm 2014, ông Lâm có dịp trở lại nước Nga. Những thay đổi của đất nước này đã khiến ông phải “choáng ngợp” vì sự phát triển vượt bậc bởi và các công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo. Được đi trên những con đường quen thuộc, được ngắm những rừng dương xanh rì, được gặp gỡ những con người nơi đây làm ông nhớ da diết những tháng ngày sống và học tập tại đây.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.