KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG (1.3.1906 - 1.3.2016)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lòng người dân Quảng Ngãi (Kỳ 1)

08:02, 24/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đi xa nhưng hình ảnh, trí tuệ, trái tim và nhân cách cao đẹp của Thủ tướng vẫn mãi trường tồn cùng hồn thiêng sông núi của dân tộc Việt Nam, bạn bè quốc tế. Trên quê hương núi Ấn - sông Trà, từ già đến trẻ, từ miền xuôi đến miền ngược, qua bao thế hệ, người dân đều luôn tự hào và nhớ về ông với tình cảm sâu sắc. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Báo Quảng Ngãi đăng loạt bài "Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lòng người dân Quảng Ngãi"

TIN LIÊN QUAN


Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng (bí danh là Tô), quê xã Đức Tân (Mộ Đức), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 

Kỳ 1:  Một trái tim không ngừng đập

Năm nào cũng vậy, nhớ đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhiều người lại tìm về ngôi nhà nhỏ ở xóm Cây Gạo, xã Đức Tân (Mộ Đức), ngày trước thuộc làng Thi Phổ Nhất. Nơi đây là một miền quê yên ả, bốn bề ruộng lúa xanh ngát, gió reo rì rào.


Cái làng quê mộc mạc ấy đã sinh ra một con người tài hoa, làm rạng danh quê hương, đất nước. Tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp của ông luôn gắn chặt với vận mệnh của non sông đất nước, của dân tộc Việt Nam. Với ông, qua mỗi câu chuyện kể, từ khi còn là “cậu Tám” cho đến lúc về già và mất đi đều rất đỗi cảm động, luôn khiến mọi người kính phục.
 

Sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng xếp hình kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: PVĐ
Sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng xếp hình kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: PVĐ

 

“Ba không có tài sản gì để lại cho con, ba chỉ để lại một sự nghiệp phải tiếp tục. Ba yêu cầu con chăm sóc má của con, chăm lo dạy bảo các con của con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, con xứng đáng là người sĩ quan của quân đội ta”.
Lời căn dặn cuối cùng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nằm ở bệnh viện đối với người con trai duy nhất là Thiếu tướng Phạm Sơn Dương.

Nụ cười xuyên thế kỷ

Hương mạ non phảng phất trên con đường làng dẫn vào ngôi nhà mà ngày xưa “cậu Tám” từng ở, làm cho những ai từng gặp gỡ, tiếp xúc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng có cái cảm giác gần gũi, mộc mạc, chân quê như chính con người của ông. Dù ở cương vị Thủ tướng hay một người anh cả, người ông, người cha trong gia đình... ông luôn có một nét rất riêng, đó là sự nghiêm minh, mẫu mực, nhân hậu, khoan dung và bản lĩnh. Cả cuộc đời ông cống hiến cho dân, cho nước; khi về với đời thường, ông sống thanh bạch, giản dị và vẹn tình với quê hương.

Căn nhà nhỏ mà thuở thiếu thời “cậu Tám” đã ở (sau đó đã được phục dựng), cùng với nhiều hiện vật được lưu giữ, vẫn còn đó giếng nước thuở xưa, hàng rào râm bụt hoa nở rộ mỗi khi hè về. Còn đó bộ quần áo đã sờn màu ông mặc từ thời kháng chiến, những hình ảnh, hiện vật gắn liền cuộc đời ông trong chuỗi ngày hoạt động cách mạng, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong đó có cả đôi kính râm dù đã lâu nhưng rất đỗi quen thuộc với người dân Quảng Ngãi khi mỗi lần ông về thăm quê lúc gần cuối đời.

 94 năm của một đời người với 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, kể sao cho hết gian khổ, hy sinh, thế mà ông vẫn nở nụ cười hiền- nụ cười của niềm tin cách mạng rồi sẽ thành công, dân tộc Việt Nam được tự do, hạnh phúc. Nụ cười đó đã xuyên qua hai thế kỷ, đi vào lòng dân, bạn bè quốc tế và mãi trường tồn với hồn dân tộc. Bà Nguyễn Thị Dẻo-nguyên Bí thư Huyện ủy Mộ Đức nhớ lại: “Mỗi lần về thăm quê, bác Đồng căn dặn nhiều điều; đặc biệt khi nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết... khuôn mặt của bác vui lắm, bác cười rất tươi, rất tình cảm. Mỗi khi nghe chuyện vui ở quê, bác cười hào sảng. Tôi không sao quên được nụ cười ấy!”.

Trong những năm 90, khi ánh nắng mùa xuân trải vàng trên khắp cánh đồng, hoa trái trong vườn đâm chồi nảy lộc, người ta thường thấy ông trong trang phục quần áo kaki, đôi kính râm bước nhẹ tênh trên con đường làng xóm Cây Gạo. Cũng vào mùa xuân cách đây 110 năm, “cậu Tám” chào đời, để từ đó ông cống hiến trọn cuộc đời để nhân dân đón nhận những mùa xuân của độc lập, tự do. Và cũng chính mùa xuân ông lại về thăm quê cho thỏa lòng mong nhớ. Bà Nguyễn Thị Dẻo kể, ngày sinh nhật của bác Đồng, huyện không dám tổ chức linh đình, vì bác luôn dặn dò huyện phải tiết kiệm để lo cho dân; chỉ có bánh, trái cây và bó hoa tươi thắm, thế mà Bác vui nhiều lắm.

Tài sản để lại là tấm gương về nhân cách sống  

Ông Lê Văn Vỹ nâng niu chiếc quần tây cũ được bác Đồng tặng.
Ông Lê Văn Vỹ nâng niu chiếc quần tây cũ được bác Đồng tặng.


 Bao đời nay, người dân ở xóm Cây Gạo luôn nể trọng và khâm phục bởi nhân cách của ông. Bởi lẽ, điều ông để lại cho con cháu, họ hàng là tấm gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư như lời dạy của Bác Hồ. Ông Lê Văn Vỹ (74 tuổi, cháu gọi Thủ tướng Phạm Văn Đồng là ngoại thúc) xúc động nói: “Lần nào gặp, ông cũng dặn tôi phải sống cho tốt, lao động tốt, đất rộng, màu mỡ nên phải phát triển sản xuất để có cuộc sống ổn định. Ông có cho cái gì đâu, tiền của thì tuyệt đối không, chỉ có tình thương, lời căn dặn, thế mà cứ canh cánh nỗi nhớ thương...”.

Ông Vỹ kể, có lần ra Hà Nội thăm ông, khi ấy mắt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không còn nhìn thấy ánh sáng. Ông mừng rỡ, sờ soạng đôi bàn tay của đứa cháu ngoại rồi liền hỏi: “Ở quê, cháu lao động nhiều lắm phải không?”. Sở dĩ ông hỏi như vậy vì đã nhận ra điều ấy từ những nốt chai sần trên đôi bàn tay của người cháu ngoại. “Nhớ lời ông dặn nên con đã chăm chỉ lao động để có cuộc sống khá hơn”, ông Vỹ đáp. Ông Vỹ hiện đang sống trong ngôi nhà xây dựng cách đây hơn 80 năm, nơi Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng sống trong thời gian bị quản thúc tại quê khi mãn hạn tù ở Côn Đảo. Những vật dụng mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng sử dụng được ông Vỹ lưu giữ cẩn trọng để tỏ bày tình cảm đối với người ông đáng kính. “Hiếm có người như ông của chúng tôi. Ông quên đi cái riêng để lo cho cái chung của đất nước. Dù là con cháu trong nhà, nhưng cả đời mình, ông chỉ tặng tôi duy nhất chiếc quần tây lúc ông còn làm Thủ tướng. Đến giờ tôi vẫn còn gìn giữ, trân trọng. ông luôn là niềm tự hào của tôi và cả dòng tộc”, ông Vỹ bộc bạch.

“Mọi người đặt tôi vào việc đã rồi”

Ông Từ Tân Vũ (khi ấy là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghĩa Bình, được hợp nhất tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi) kể, năm 1978, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên-Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng (sau là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng) về thăm nhà bác Đồng. Ngôi nhà bị hư hỏng, loang lỗ vết đạn nên đồng chí đã đề nghị tỉnh và Bộ Xây dựng bố trí kinh phí xây dựng nhà lưu niệm, nhà tiếp khách… Đồng chí Nguyên cũng nhắc lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ: Bác Tô là con người rất liêm khiết, tiết kiệm, nên phải giấu việc này, sau này bác biết tôi cùng “chịu” với các đồng chí.

Sau đó một thời gian, bác Đồng biết chuyện, gửi điện mật bảo dừng ngay việc xây nhà, không nên làm tốn kém tiền của nhân dân, vì đất nước mới giải phóng, nhân dân còn nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Quang Lâm (Tám Tú) - Bí thư Tỉnh ủy, điện khẩn ra báo cáo, thể theo nguyện vọng của đồng bào, đồng chí, khách quốc tế, vì nền nhà cũ xuống cấp quá, bà con nhân dân đau lòng nên Tỉnh ủy giấu anh, mong anh thông cảm. Bác Đồng điện lại bảo: Nếu quả là xây nhà tiếp khách khiêm tốn thì có thể chấp nhận, nhưng phải hết sức tiết kiệm, không phô trương hình thức, không được gây phiền hà cho dân.
Lần sau đó, ông về thăm quê, nói với đồng chí Tám Tú: Sao nhà rộng thế này...? Lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ chỉ nói được câu: “Mong bác thông cảm…!”. Nghe thế, ông nói: “Vậy là mọi người đặt tôi vào việc đã rồi”.

 

P.Đức-P.Lý-N.Triều  


*Kỳ 2: Dấu ấn ở Nam Trung Bộ




 


.