Nhớ một lần gặp Bác Phạm Văn Đồng

09:02, 29/02/2016
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Tôi may mắn là “người cùng làng” với Bác Phạm Văn Đồng. Làng tôi xưa gọi là Thi Phổ Nhứt (Nhất), từ nhà tôi muốn tới nhà Bác Đồng phải đi qua cầu Giắt Dây, cây cầu nhỏ nhưng có tên nghe là lạ nên rất dễ nhớ.

TIN LIÊN QUAN


Năm 1982 tôi ở Hội văn nghệ Nghĩa Bình đóng tại Quy Nhơn có in bộ ba trường ca “Những ngọn sóng mặt trời”. Đây là ba trường ca tôi viết về chủ đề chống ngoại xâm từ thời “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc” tới “Bùng nổ mùa xuân” rồi cuối cùng là “Trẻ con ở Sơn Mỹ”. Tôi còn nhớ, bộ ba trường ca này được in rất cẩn thận, morass kỹ, không sai sót chữ nào, nhưng in ti-pô trên giấy... cực xấu.

Hồi ấy thật nghèo, nhà in chỉ có giấy địa phương tự làm như vậy, tiền của Hội văn nghệ cũng chỉ ít ỏi vậy, mình được in tác phẩm là quá mừng rồi, nên chuyện giấy xấu chẳng là vấn đề gì cả. Sau khi “Những ngọn sóng mặt trời” được phát hành, một thời gian ngắn sau đó, ông Đỗ Quang Thắng, bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình, đi họp ở Hà Nội về, được anh Mai Hoàng làm ở Ban Tuyên huấn đưa tới thăm tôi tại “nhà riêng”.

Gọi “nhà riêng” cho oai, chứ lúc đó vợ chồng và đứa con tôi ở một căn phòng 12 mét vuông trong một ngôi nhà tập thể nhiều hộ, “nắng dột nắng mưa dột mưa”, không có bất cứ tiện nghi tối thiểu nào. Nhưng hồi đó là vậy, mấy ai có được nhà riêng, có chỗ “chui ra chui vào” là quý rồi. Tôi cũng chẳng đòi hỏi gì, yên tâm ngồi viết trên một chiếc băng ghế gỗ “giả” làm bàn, không cần nhìn ra bất cứ cái “view” nào để lấy cảm hứng sáng tác cả.

Vậy mà đó là thời gian tôi viết được nhiều nhất, một số trường ca tâm đắc của tôi được ra đời ngay trên băng ghế gỗ mọt ấy. Tới bây giờ, chiếc băng ghế gỗ đã mất, nhưng những sáng tác ngày ấy thì vẫn còn. Xem ra, với nhà thơ, không phải ngồi sáng tác ở đâu, được chiêu đãi cái gì khi sáng tác, mà quan trọng nhất, là viết cái gì, viết như thế nào, tác phẩm của mình ra sao. Bây giờ điều kiện sống đã tốt hơn ngày xưa ấy rất nhiều, nhưng với tôi, đó cũng không phải là “điều kiện” để có những tác phẩm ưng ý.

Thì một buổi chiều, tôi đang ngồi viết bằng máy chữ trên cái băng ghế gỗ mọt ấy, thì ông Đỗ Quang Thắng và anh Mai Hoàng tới thăm. Tôi mời hai khách quý ngồi... bệt trên sàn nhà, uống trà và nói chuyện. Ông Thắng đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ, nói là Bác Phạm Văn Đồng gửi thư cho tôi. Rất ngạc nhiên, tôi cầm thư Bác Đồng và mở ra đọc. Ngạc nhiên là phải, vì trước đó tôi không hề gửi thư hay nhắn tin gì cho Bác, dù Bác Đồng với cha tôi vừa là đồng hương vừa là bạn tù (khác nhà lao), và sau này trong kháng chiến chống Pháp, Bác Đồng thay mặt chính phủ Cụ Hồ lãnh đạo miền Trung.

Thư Bác Đồng gửi cho tôi cũng ngắn gọn thôi, chủ yếu động viên tôi là chính, sau khi Bác nhận được tập trường ca của tôi do Hội văn nghệ Nghĩa Bình gửi tặng. Sau này tôi mới biết, dụng ý của Bác Đồng khi gửi thư cho tôi còn nhằm tới các vị lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình lúc đó, vì Bác nghe ông Đỗ Quang Thắng nói gia đình tôi đang gặp khó khăn về chỗ ở.

Ông Đỗ Quang Thắng là người rất hiền và thật thà, ông nói luôn với tôi là ông sẽ đề nghị bên Ủy ban tỉnh xét cấp cho tôi một căn hộ nhỏ ở khu nhà 4 tầng đang xây, căn hộ ấy tốt hơn căn phòng tôi đang ở. Tôi cảm ơn ông Thắng, nhưng cũng thầm cảm ơn Bác Đồng: cái thư ngắn Bác gửi tôi đã phát huy tác dụng. Sau đó ít lâu, đúng là gia đình tôi đã được chuyển tới căn hộ 24 mét vuông-rộng gấp đôi căn phòng cũ, và có cả khu bếp và vệ sinh riêng. Thế là quá tốt đối với tôi rồi!

Năm 1987, khi ra Hà Nội tôi hay được nhà thơ Việt Phương đến thăm chơi ở nhà dịch giả Nguyễn Trung Đức. Tôi với anh Việt Phương đã quen nhau từ trước, chủ yếu qua thơ ca, và anh em quí trọng nhau, cũng chủ yếu qua thơ ca.

Một hôm, tôi đang ở nhà anh Trung Đức thì nhà thơ Việt Phương tới, nói Bác Đồng muốn gặp tôi nói chuyện, và mời tôi ăn cơm trưa với Bác. Anh Việt Phương đưa tôi vào Phủ Thủ tướng, tới căn nhà nhỏ mà tôi đoán là nhà ăn nơi Bác Đồng thường dùng bữa. Chỉ ngồi vài ba phút, tôi đã thấy Bác Đồng tới, dáng đi còn khá nhanh nhẹn so với tuổi của Bác. Tôi lễ phép chào hỏi, và bữa cơm trưa được dọn lên ngay cho ba người ăn là Bác Đồng, nhà thơ Việt Phương, và tôi.

Thú thật, nhìn mâm cơm tôi hơi thất vọng vì chả thấy… bia rượu gì cả. Trong mâm cơm lại có mấy củ khoai lang, đó là phần ăn thường xuyên của Bác Đồng, theo như anh Việt Phương giới thiệu. Bây giờ thì tôi cũng thường xuyên ăn khoai lang, nhưng hồi ấy còn trẻ, lại gặp lúc đói kém, mình chỉ thích có bia rượu gì đó uống cho khoái khẩu, chứ ăn thì sao cũng được. Vừa ăn cơm Bác Đồng vừa thân mật nói chuyện với tôi. Bác nói với tôi về… văn học Pháp, cũng may là tôi không xa lạ với nền văn học vĩ đại này, nên hai Bác cháu cùng anh Việt Phương chuyện trò khá tâm đắc.

Bác Đồng thích Victor Hugo, thích nhất những bài thơ của ông viết về những người lao động trên biển, thích “Những người khốn khổ”-trường thiên tiểu thuyết đã trở thành tác phẩm kinh điển của văn học thế giới. Tôi thưa với Bác Đồng là tôi được đọc “Những người khốn khổ” từ khi tôi học lớp 5, và đó là một trong vài ba bộ tiểu thuyết “gối đầu giường” của tôi. Bác Đồng hỏi, còn mấy bộ kia là gì, tôi thưa “Thủy Hử” là bộ tiểu thuyết đầu tiên tôi được đọc, từ hồi học lớp 2 bên Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), còn sau này là tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoi, tôi được đọc năm học lớp 8. Cả ba bộ tiểu thuyết ấy đã ảnh hưởng rất nhiều tới tâm hồn tôi từ khi còn là một đứa trẻ, một thiếu niên. Bác Đồng cũng kể những tác phẩm văn học của Pháp đã ảnh hưởng tới Bác từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hồi ấy, bắt đầu trào lưu Đổi Mới, báo Thanh Niên mới ra sạp với tên gọi “Tuần tin thanh niên”. Báo có in bài thơ tôi viết tặng anh phi công Mai Trọng Tuấn-người đề xuất với Tổng cục hàng không Việt Nam một dự án mang tên VUETA nhưng không được Tổng cục hồi đáp. Tôi xin phép đọc tặng Bác Đồng bài thơ ấy. Sau khi nghe tôi đọc bài thơ, Bác Đồng có hỏi thêm về tình hình bên Tổng cục hàng không. Anh Việt Phương đã báo cáo ngay với Bác những gì anh biết. Bác Đồng đã tỏ ra rất không hài lòng về Tổng cục này, nhất là cách hành xử với một sáng kiến nhằm phát triển đất nước do một phi công của Tổng cục đề xuất. Tôi nghe Bác chỉ đạo anh Việt Phương làm việc lại với Tổng cục hàng không về dự án VUETA. Còn tôi thì tranh thủ thưa với Bác là tôi từ Nghĩa Bình ra Hà Nội công tác, nhưng mua vé máy bay về Đà Nẵng hay Qui Nhơn đều quá khó, nhờ Bác nói với anh Việt Phương can thiệp giúp cho tôi mua một vé máy bay. Bác Đồng vui vẻ nói anh Việt Phương liên hệ giúp tôi.

Tạm biệt Bác Đồng ra về, tôi mừng vì sắp mua được vé máy bay về Nghĩa Bình. Ngờ đâu, anh Việt Phương tuy không dùng thẻ bài nhưng ai cũng biết anh là trợ lý của Bác Đồng mấy chục năm nay, anh Việt Phương đã “nói khó” với Tổng cục hàng không để mua giúp tôi chiếc vé máy bay, nhưng… không được. 

Qua việc này, tôi càng hiểu, Đổi Mới là một sự nghiệp khó khăn đến thế nào! Nhưng cái cách Bác Đồng tiếp nhận thông tin từ tôi về dự án VUETA của phi công Mai Trọng Tuấn, tôi tin Đổi Mới là một tất yếu. Khi một người lãnh đạo quốc gia như Bác Đồng đã đau đáu với Đổi Mới, thì sẽ có trăm phương ngàn cách để Đổi Mới đi tới thắng lợi. Bữa cơm tôi được ăn với Bác Đồng, dù không có bia rượu gì, nhưng đã khiến tôi… lâng lâng. Vì tôi tin ở Đổi Mới và những bước đi không thể cưỡng lại của nó. 

 


.