Quá trình hoạt động của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

09:02, 29/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bí danh Tô), sinh ngày 1.3.1906 tại làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân (Mộ Đức, Quảng Ngãi); là nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Bác Hồ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.               Ảnh: T.L
Bác Hồ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: T.L
Đảng ta khẳng định: “Suốt 41 năm là Ủy viên BCH Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhà lý luận chính trị và nhà văn hóa xuất sắc, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, tư duy năng động và sắc sảo, tình cảm chan hòa với nhân dân; nhạy cảm, thấu hiểu được nguyện vọng của đồng bào. Nhờ vậy, Thủ tướng có nhiều đóng góp to lớn trong việc hoạch định, làm thấu suốt và chỉ đạo thực hiện đường lối cách mạng Việt Nam suốt hơn 70 năm”.

Trong thời gian học ở Trường Quốc học Huế, Phạm Văn Đồng có dịp tiếp xúc với báo chí cách mạng  do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển về và truyền bá ở Việt Nam. Những năm 1925- 1926, khi đang học tại Trường Bưởi (Hà Nội), ông tham gia phong trào học sinh đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh... nên bị thực dân Pháp đuổi học. Sau đó, ông đi Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội...

Cuối năm 1927, ông về nước, tham gia hoạt động cách mạng ở Nam Kỳ, có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và tổ chức cách mạng ở Sài Gòn- Chợ Lớn... Tháng 7.1929, Phạm Văn Đồng bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Sau khi được trả tự do, năm 1936, Phạm Văn Đồng ra Hà Nội tham gia hoạt động công khai...

Tháng 5.1940, Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng cử sang hoạt động ở Côn Minh (Trung Quốc) và liên lạc được với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại đây, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi tham gia hoạt động cách mạng ở Liễu Châu, Tĩnh Tây (Trung Quốc). Năm 1942, khi trở về Cao Bằng hoạt động, ông có nhiều đóng góp cho quá trình vận động, tổ chức Mặt trận Việt Minh; phụ trách Báo Việt Nam độc lập, tham gia xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, chuẩn bị lực lượng và các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám- 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà...

Trước ngày kháng chiến toàn quốc (1946) đến tháng 1.1949, Phạm Văn Đồng là Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ; được bầu bổ sung Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng (1947);  đã có những sáng tạo và cống hiến trong việc tổ chức, xây dựng vùng tự do Quảng Nam - Quảng Ngãi- Bình Định - Phú Yên; củng cố căn cứ địa phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp...

 Đầu năm 1949, ông được điều về chiến khu Việt Bắc; được bầu bổ sung làm Ủy viên chính thức BCH Trung ương Đảng; sau đó làm Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II (2.1951) của Đảng, ông được bầu vào BCH Trung ương Đảng và được BCH Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và đảm nhận trọng trách này liên tục từ năm 1951-1986. Liên tục 32 năm (1955-1987) đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ... Ông còn kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng trong các năm 1954-1955.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng, gồm: Hội nghị Phong-ten-nơ-blô (1946); Giơ-ne-vơ (1954), Băng- Đung (1955)...  Từ năm 1986- 1997, ông được cử làm Cố vấn BCH Trung ương Đảng... Ông còn là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I (1946- 1960) đến khoá VII (1981- 1987)... Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời tại Hà Nội ngày 29.4.2000.

PV  
(lược ghi theo Tài liệu
của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)



 


.