Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lòng người dân Quảng Ngãi (Kỳ 4)

02:02, 29/02/2016
.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 4: Trọn tình Tổ quốc, vẹn tình quê


Với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tình cảm đối với quê hương luôn hòa quyện trong tình yêu đất nước. Khi còn làm việc cũng như lúc nghỉ hưu, ông chưa một lần nghĩ đến chuyện “riêng tư” cho bản thân, gia đình. Còn với Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi, những lời căn dặn, chỉ bảo ân cần xuất phát tự đáy lòng mà mỗi lần ông về thăm quê là một tài sản vô giá, vốn quý cho muôn đời.

 


Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên tư tưởng trọng dân, lấy dân làm gốc của Bác luôn thấm nhuần trong suy nghĩ và hành động của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Dù ở bất cứ cương vị nào, ở đâu ông đều luôn lắng nghe tiếng nói của dân để có cách giải quyết hợp lòng dân. Vì thế, ông luôn nhận được sự kính trọng, tin yêu của nhân dân, đặc biệt là cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi…

Bài học lấy dân làm gốc

Cố vấn BCH Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng chụp hình lưu niệm với BCH Đảng bộ tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (1991).                              Ảnh: T.L
Cố vấn BCH Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng chụp hình lưu niệm với BCH Đảng bộ tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (1991). Ảnh: T.L


Đến bây giờ đã gần 30 năm, nhưng bà Trần Thị Hồng Tâm (75 tuổi), ở đường Võ Thị Sáu, TP.Quảng Ngãi, lúc bấy giờ là Phó Phòng Tổ chức thị xã Quảng Ngãi, vẫn không sao quên được  cảm xúc khi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép bày tỏ ý kiến khi ông về thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân dân thị xã Quảng Ngãi (1987). Bà Tâm thưa: “Cháu là học sinh miền Nam, cháu về Nam chiến đấu thời kỳ chống Mỹ, xin được thưa với Bác một điều”. “Điều gì cháu cứ nói”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đáp lời. “Thưa bác, Đảng và Nhà nước ta lấy dân làm gốc, mọi việc đều phải lấy ý kiến nhân dân, dựa vào dân và quyết định hợp lòng dân thì mới có sức mạnh. Vậy thưa với bác, ý nguyện của người dân là muốn tách tỉnh, vì tỉnh lỵ (Nghĩa Bình - PV) hiện tại ở tận Quy Nhơn, cách hàng trăm cây số, người dân có yêu cầu gì khó mà giải quyết kịp thời”. Bà Tâm vừa dứt lời, tiếng vỗ tay của đông đảo cán bộ, nhân dân phía dưới hội trường vang lên. Tối hôm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho gọi đồng chí Từ Tân Vũ, khi ấy là Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi để hỏi rõ hơn về lòng dân xoay quanh chuyện tách tỉnh. Sau khi nghe, ông càng thấu hiểu hơn nguyện vọng của dân, song đây là chuyện hệ trọng nên mãi đến ngày 1.7.1989, Trung ương mới quyết định cho tái lập tỉnh Quảng Ngãi.
 

“Nhân dân Quảng Ngãi rất đỗi tự hào khi có một con người hiền tài là Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông là người học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch, đảm đương nhiều trọng trách lớn của đất nước. Đối với quê hương, ông luôn dành tình cảm sâu sắc; ông có phong cách bình dị, thân mật, dễ gần…”,
Đồng chí Phạm Thanh Biền-nguyên Khu ủy viên Khu 5, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nói.

Đầu năm 1990, tái lập tỉnh hơn 6 tháng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại về thăm quê. Tại cuộc gặp mặt đông đảo cán bộ, nhân dân ở Khu sinh hoạt văn hóa Nguyễn Nghiêm (nay là UBND phường Nguyễn Nghiêm), ông hòa chung niềm vui của dân sau khi tái lập tỉnh, rồi hỏi vui: “Cô gì trước đây đòi chia tỉnh đâu rồi? Chắc hôm nay thỏa mãn rồi chứ!”. Nghe vậy, từ dưới khán đài, cô Tâm nhờ người cầm giúp chiếc nón lá, rồi vội chạy lên ôm bác Đồng. Cả hai bác cháu xúc động rơi nước mắt. Nhiều người có mặt hôm ấy cũng không cầm được lòng mình. Khoảnh khắc ấy được một người chụp ảnh lưu lại, sau này có người bạn mang đến tặng. Bà Tâm xem đó như báu vật, nên treo ở vị trí trang trọng, như để thể hiện lòng tôn kính vị Thủ tướng kính yêu.

 Ông Trần Cao Minh-Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh trong những năm mới tái lập tỉnh, kể: Tôi không sao quên được lời căn dặn chân thành của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông bảo: Tái lập tỉnh rồi, đạt được nguyện vọng rồi thì phải đồng tâm hiệp lực, thi đua làm việc, làm việc tích cực, sáng tạo để xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhân dân là sức mạnh sáng tạo làm nên lịch sử. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào tỉnh cũng phải lo cho dân, đặt lợi ích của dân lên đầu thì mới tạo được sức mạnh, động lực để xây dựng quê hương. “Lời căn dặn ấy đến giờ vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng bộ, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh đô thị hóa, thu hút đầu tư, mở rộng hội nhập mạnh mẽ hiện nay”, ông Trần Cao Minh, nói.

Sống mãi trong lòng dân
 

 Đồng chí Phạm Văn Đồng làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trong lần cuối cùng về thăm quê (tháng 3.1999).          Ảnh: T.L
Đồng chí Phạm Văn Đồng làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trong lần cuối cùng về thăm quê (tháng 3.1999). Ảnh: T.L


Với người dân Quảng Ngãi cũng như bao người dân khác trên khắp mọi miền Tổ quốc, hình ảnh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn luôn trong tâm khảm! Bởi lẽ, ông không những liên tục 32 năm (1955-1987) đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ, mà còn suốt đời chiến đấu, hy sinh vì đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; ông còn là người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.

Khi là đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam Trung Bộ trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Phạm Văn Đồng có một thời gian sống ở nhà ông Lê Cao Xiềng, nay thuộc KDC số 3, thôn Bình Đông, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh). Ngôi nhà này hiện bà Lê Thị Tấn (70 tuổi, con dâu ông Xiềng) đang sinh sống. Bà Tấn xúc động kể: Ngày tôi về làm dâu, bác Đồng đã ra Bắc, nhưng được nghe người nhà kể lại tôi vô cùng cảm phục. Vì thế mà gần 70 năm qua, gia đình bà Tấn vẫn giữ mãi cái chảo bằng gang mà ngày trước dùng để nấu ăn cho bác Đồng, cả cây thước mà bà Phạm Thị Cúc-vợ bác Đồng dùng để đo vải may quần áo cho Bác và hộp nữ trang bằng gỗ bà Cúc tặng cho gia đình ông Xiềng. “Chiến tranh ác liệt, chạy giặc triền miên, nhưng cái chảo gang luôn ở trong quang gánh nhà này, mẹ chồng tôi dặn không được làm mất. Còn cái thước bà để trong túi xách, lúc nào cũng giữ bên mình”, bà Tấn nhớ lại. Mới đây, bà Tấn đã hiến tặng kỷ vật liên quan đến bác Đồng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

 Bây giờ, đi dọc công trình thủy lợi Thạch Nham, hỏi ra có người biết, người quên, nhưng ông Trần Cao Minh thì không sao quên được. Ông Minh kể, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dặn đi dặn lại: Tỉnh mình là tỉnh nông nghiệp nhưng thiếu nước, nên vấn đề thủy lợi là cực kỳ quan trọng, nếu giải quyết được nước tưới cho nông nghiệp thì sẽ ổn định sản xuất, có cơ hội phát triển. Công trình thủy lợi Thạch Nham ra đời từ tầm nhìn đó, nên mỗi lần về thăm quê, ông luôn có mặt ở đại công trình thủy nông này. Bác hòa chung niềm vui cùng bà con nông dân khi dòng nước mát chảy thẳng vào ruộng trên những cánh đồng mà trước kia bỏ hoang do thiếu nước. Bác quay sang các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi cùng rồi nói: “Thủy lợi đã có, giờ các đồng chí coi vùng đất nào hợp với loại cây trồng, vật nuôi gì thì hướng dẫn cho dân làm, đặc biệt là cây mía, chứ độc canh cây lúa thì khó phát triển lắm. Nhưng cũng phải nhớ trồng rừng và giữ rừng đấy!”.

Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi luôn khắc sâu lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đặc biệt là những nội dung có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng mà ông đã phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (10.1991), khi ấy ông đang là  Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thủ tướng nhắc nhiều đến sự đoàn kết trong Đảng, trong dân và lưu ý cần phải khắc phục những nhược điểm trong tính cách của người Quảng Ngãi để phát triển... Nhắc về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, xúc động nói: “Nâng cao dân trí là một trong những tư tưởng sáng ngời của Thủ tướng. Vì thế, trường rất đỗi tự hào khi mang tên của bác và là đơn vị kế thừa Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ do bác sáng lập và là Hiệu trưởng danh dự”. Trên quê hương Mộ Đức của bác cũng có Trường THPT Phạm Văn Đồng; ở Nghĩa Hành có Trường THCS Phạm Văn Đồng (xã Hành Phước) và ở TP.Quảng Ngãi cũng có con đường mang tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Đặc biệt, ở huyện vùng cao Ba Tơ, từ năm 1969, đồng bào dân tộc Hrê đã lấy họ Phạm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm họ của dân tộc mình. Cụ Phạm Đức Trinh (96 tuổi, ở xã Ba Chùa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ), chia sẻ: “Đồng bào dân tộc Hrê chúng tôi vinh dự và tự hào khi mang họ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đó cũng là thể hiện niềm tin, ý chí to lớn của đồng bào Hrê một lòng theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm cách mạng đến cùng”.

 Lần về thăm quê vào tháng 3.1999, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành thời gian rất lâu, gần như cả buổi để nói chuyện, dặn dò Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi. Bác phân tích rất kỹ những chương trình mà Tỉnh ủy đã đề ra và đã làm được những gì kể từ Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh và chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục thực hiện. Đó cũng là lần cuối cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm quê hương Quảng Ngãi. Hơn một năm sau, vào lúc 23 giờ 10 phút ngày 29.4.2000 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân ta và bạn bè quốc tế. Trong lòng của đồng chí, đồng bào cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sống mãi với bản lĩnh, trí tuệ và một nhân cách lớn, một tầm nhìn xuyên thời đại.
 

P.Đức-P.Lý-N.Triều

 

*Kỳ cuối: Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam


 

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 



 


.