Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; thu hút đầu tư: Bài học từ Quảng Ninh (Kỳ 2)

07:04, 12/04/2016
.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ 2: Đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Hai năm gần đây, Quảng Ninh đã tập trung xây dựng Đề án Chính quyền điện tử và Trung tâm Hành chính công (TTHCC) của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định, đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh, nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực...

Hành chính công: Giải quyết thủ tục minh bạch, liên hoàn, khép kín

Ngày 26.3.2014, TTHCC của tỉnh Quảng Ninh chính thức khai trương và đi vào hoạt động. TTHCC là sự kế thừa, thay thế giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” trước đây, nhưng được tổ chức chuyên nghiệp ở cấp độ cao hơn theo cơ chế “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại Trung tâm”. Đây là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC của các sở, ngành của tỉnh. Việc thực hiện chức năng liên hoàn, khép kín của TTHCC đã nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi có nhu cầu giao dịch.

Hoạt động tại Trung tâm hành chính công Quảng Ninh.
Hoạt động tại Trung tâm hành chính công Quảng Ninh.


Đến nay, Quảng Ninh đã đưa 95% các TTHC của 24 sở, ngành vào thực hiện tại TTHCC của tỉnh. Các TTHC khi đưa vào thực hiện tại TTHCC đã được rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm 40% lượng thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật. Trong đó Quảng Ninh chú trọng vào các lĩnh vực như rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục đăng ký đầu tư, xây dựng, giao đất, thuế, hải quan...

Quy trình xử lý hồ sơ tại TTHCC Quảng Ninh là một chuỗi liên hoàn, khép kín, nhanh chóng từ khâu tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả và thu phí, lệ phí... Lãnh đạo các sở, ngành đã phân cấp, phân thẩm quyền giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cán bộ, nhân viên của đơn vị mình làm việc  tại TTHCC... Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động,  TTHCC Quảng Ninh đã tiếp hơn 150 nghìn lượt công dân; tiếp nhận và giải quyết trên 92 nghìn hồ sơ thuộc các lĩnh vực, trong đó có 99,4% hồ sơ giải quyết đúng hạn.

Giám sát công việc hàng ngày của cán bộ và các bộ phận tại TTHCC, ngoài sự đánh giá của tổ chức, doanh nghiệp và công dân còn có đại diện UB Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh. HĐND tỉnh Quảng Ninh  đã ra nghị quyết về hỗ trợ cho cán bộ làm việc tại TTHCC.

Đồng chí Nguyễn Đức Long- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Khi hình thành TTHCC, vấn đề liên quan đến TTHC đều được giải quyết công khai, minh bạch. Cán bộ không thể nhũng nhiễu, tiêu cực mà phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân và vì công việc chung của tỉnh. Nhờ giải quyết các hồ sơ thủ tục nhanh, gọn mà môi trường đầu tư của Quảng Ninh thuận lợi và rộng mở.

Tác động tích cực đến thu hút đầu tư

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2015 tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Đến thời điểm này dịch vụ chiếm trên 43%, công nghiệp – xây dựng chiếm gần 51%, nông – lâm – thủy sản chiếm 6% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng thu ngân sách của Quảng Ninh năm 2015 trên 34 nghìn tỷ đồng (thu nội địa gần 20 nghìn tỷ). Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất nước. Năm 2015, Quảng Ninh xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc) trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước của tỉnh đạt trên 58 nghìn tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm 2014...

Những con số trên nói lên nhiều điều, trong đó khẳng định rõ, việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn và đẩy mạnh CCHC đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và Quảng Ninh đang nổi lên là một điểm sáng trong thu hút đầu tư.

Ngoài xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi trên nhiều lĩnh vực, Quảng Ninh đã và đang tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư. Lãnh đạo tỉnh  quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi các “dự án treo”, tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư; kiên quyết chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ tổ chức, công dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên đối thoại, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “hiệu quả của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh”.

Qua trao đổi với Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt gần 221 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với giai đoạn 2006- 2010. Thu hút vốn đầu tư tăng dần qua từng năm. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 6,5 tỷ USD (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2,5 tỷ USD). Có nhiều nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sungroup, FLC, My, Way, Texhong... đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh.


Bài, ảnh: THANH TOÀN



 


.