Môi trường sạch, cuộc sống mới tốt

01:12, 31/12/2013
.
0:00
0:00

(Báo Quảng Ngãi)- Dọc các tuyến đường quanh xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn nay không còn hình ảnh những túi rác thải vứt khắp nơi hay cảnh người dân mang rác ra đổ ngoài biển. Thay  vào đó là người dân mua những giỏ rác về để trong nhà chứa rác và đổ khi xe chở rác đến lấy. Đó là kết quả và hành động quyết liệt sau đối thoại trực tiếp của Bí thư Đảng ủy xã An Vĩnh Lê Văn Châu với người dân trong xã…

TIN LIÊN QUAN


Quyết tâm dọn rác

Trước đây, du khách đến đảo Lý Sơn luôn có cảm giác khó chịu về tình trạng ô nhiễm môi trường trên hòn đảo nguyên sơ này, nhất là rác thải sinh hoạt. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên đảo. Đại bộ phận người dân rất bức xúc trước vấn nạn này nên thường xuyên phản ánh tại các cuộc họp dân hay tiếp xúc cử tri. Anh Phạm Văn Thuận, nói: Do không có nơi đổ rác thải nên gia đình anh và người dân quanh xóm mới mang ra biển đổ, dù biết làm như thế là gây ô nhiễm môi trường biển, nhưng không còn cách nào khác. Bởi trước đây, gia đình có tập trung rác vào bao tải vài ngày rồi chở ra bãi rác tự phát cạnh núi Giếng Tiền đổ, nhưng  người dân ở gần đó phản đối.

 


Theo thống kê của UBND xã An Vĩnh, mỗi ngày người dân trên địa bàn xã thải ra từ 10 -15 tấn rác thải. Thế nhưng, nơi chứa rác thải không có nên bờ biển quanh đảo đã trở thành túi rác. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là nơi để vi khuẩn, ruồi, nhặng bùng phát đe dọa đến sức khỏe người dân. Dù trước đó trên địa bàn huyện Lý Sơn từng có một bãi chứa rác thải, nhưng sau bão số 9.2009 bãi rác này đã bị xóa sổ do ô nhiễm môi trường.
 

"Tại buổi tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân, tôi thẳng thắn thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã là rất nghiêm trọng. Trách nhiệm chính của vấn đề này thuộc về cấp uỷ, chính quyền địa phương do chưa quy hoạch nơi đổ rác. Mặt khác, một bộ phận người dân thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường chung. Và tôi phân tích, môi trường sạch, cuộc sống của người dân chỉ có tốt lên mà thôi", Bí thư Đảng ủy xã An Vĩnh Lê Văn Châu, nói.

Thực tế đó đã đặt ra cho cấp uỷ, chính quyền một bài toán mà lời giải không đơn giản. Tuy nhiên, cái được ở đây là nói luôn đi đôi với làm, nên người dân bước đầu đã có niềm tin trong việc xử lý những tồn tại này. Ngay sau buổi đối thoại, chính quyền và người dân xã An Vĩnh đã bắt tay chung sức khắc phục, trong đó gia đình cán bộ, đảng viên phải nêu gương.

Trước mắt, người dân cam kết bỏ rác vào bao, đổ đúng nơi quy định; chính quyền cam kết thành lập đội thu gom rác thải sinh hoạt cùng với việc đầu tư phương tiện thu gom. Người dân cũng thẳng thắn phê bình, góp ý cho những hộ dân chưa chấp hành tốt việc đổ rác thải đúng nơi quy định. Bãi đổ rác tạm được xây dựng tại khu vực Đá Hai, thôn Đông, xã An Vĩnh, được chôn lấp sau mỗi tuần đổ. "Đội thu gom rác ra đời với 9 nhân viên cùng các thùng chứa rác để trong khu dân cư và xe thu gom rác bắt tay ngay vào hoạt động tất cả các ngày trong tuần. Để việc hoạt động của đội thu gom rác có hiệu quả, xã đã phê duyệt quy chế hoạt động và có sự tham gia giám sát của nhân dân", ông Lê Văn Châu cho biết.
Và môi trường đã sạch trở lại

Bây giờ, dọc theo con đường chính của trung tâm huyện và các tuyến đường nội bộ trong các khu dân cư rất sạch sẽ và thông thoáng. Hình ảnh mỗi ngày chiếc xe thu gom rác cùng tiếng kẻng đánh lên cuối buổi chiều hằng ngày và người dân mang rác ra xe đổ đã trở thành thói quen không thể thiếu đối với người dân An Vĩnh, tạo ra một nét văn minh mới nơi đất đảo. “Chúng tôi rất vui vì ông Bí thư đã hứa và làm đúng. Từ nay người dân chúng tôi không phải mang rác ra biển đổ nữa. Mỗi tháng đóng phí 10.000 đồng mà môi trường sạch đẹp thì hà cớ chi không đóng. Môi trường trong sạch, du khách đến nhiều hơn, mình có cơ hội làm ăn và sức khỏe của mình cũng sẽ tốt lên thì tại sao không làm”, bà Phạm Thị Liên, KDC số 2, xã An Vĩnh nói.

Cũng theo ông Châu, khi hứa với dân là sẽ làm cho môi trường trong xã sớm trong lành trở lại, trong khi ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung của một bộ người dân chưa cao là điều làm ông lo lắng nhất. Không chỉ vậy, trước đây đổ rác ngoài bờ biển không tốn tiền giờ phải trả tiền phí hằng tháng và cả tiền lương hằng tháng cho công nhân... “Để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, chúng tôi tổ chức họp Thường trực Đảng ủy lấy biểu quyết và tìm phương án xử lý rác vừa sạch, vừa đảm bảo chi phí thấp nhất, sau đó công khai xin ý kiến dân. Những tưởng sẽ rất khó khăn, nhưng rồi người dân cũng thấy được cái lợi trước mắt và lâu dài nên phần lớn họ đều đồng ý với phương án xã đưa ra", ông Châu cho biết.

Sự vào cuộc quyết liệt đó của cấp uỷ, chính quyền và sự đồng thuận cao trong dân đã góp phần khắc phục một bước tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã An Vĩnh. Hy vọng, với sự chung tay của người dân cùng với việc triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Lý Sơn sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần làm cho đảo Lý Sơn sạch đẹp hơn.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.