Đuối nước mùa hè: Nỗi đau mới, nguyên nhân cũ

05:06, 01/06/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Mùa nắng nóng, thời tiết oi bức cũng là thời điểm lý tưởng để mọi người tìm đến với sự mát mẻ của sông, suối, biển... và cũng chính vì vậy đây là thời gian xảy ra nhiều vụ tai nạn chết đuối. Làm gì để phòng ngừa đuối nước, nhất là ở trẻ em đang là vấn đề đặt ra hiện nay.
 
“Cạm bẫy” ngày nắng nóng
 
Những ngày hè, đi đến những con sông, suối không khó để chúng ta bắt gặp cảnh những đứa trẻ tụ tập cùng nhau tắm sông, nô đùa hồn nhiên trong nước. Song qua quan sát của chúng tôi, có nhiều điểm tắm sông, suối rất nguy hiểm nhưng ở đó lại thiếu những cảnh báo cần thiết. Có khi, những đứa trẻ chỉ chừng 6, 7 tuổi không biết bơi cũng vô tư ra sông suối nghịch nước, tắm rửa. 
 
Hơn nữa, với những đứa trẻ ở quê thì việc chúng tắm sông, suối hay diễn ra song hành cùng thời khắc phụ giúp gia đình đi chăn trâu, cắt cỏ... vì vậy, không có ai quản lý, canh chừng nên hậu quả dẫn tới các vụ chết đuối thương tâm và đáng tiếc là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, có em sợ gia đình phát hiện nên thường rủ nhau đến những khúc sông, suối vắng vẻ để tắm, đùa nghịch nên khi tai nạn xảy ra người lớn không thể ứng cứu kịp thời. 
 
Trẻ tắm sông nhưng khong có người lớn đi kèm rất nguy hiểm
Trẻ tắm sông nhưng không có người lớn đi kèm rất nguy hiểm
 
Mỗi mùa hè qua đi, trên địa bàn tỉnh ta đều có những vụ trẻ chết do đuối nước. Và ngay đầu hè năm 2014 này, vụ việc 5 em học sinh rủ nhau đi tắm sông gần nhà, do không biết bơi nên 3 em bị chết đuối một lần nữa gióng lên hồi chuông trong công tác bảo vệ trẻ trước hiểm họa sông nước. Buổi chiều định mệnh 22.5, sau khi tổng kết năm học, một nhóm gồm 5 học sinh lớp 9 ở Trường THCS Tịnh Giang (Sơn Tịnh) rủ nhau bơi ghe ra giữa sông Trà để tắm. Tuy nhiên khi chèo đến đoạn nước sâu, ghe bị lật úp khiến cả nhóm rơi xuống sông. Hai trong số đó đã may mắn bơi vào bờ được, 3 em còn lại do không biết bơi nên chết đuối.
 
Hay mới đây nhất là trường hợp, em Nguyễn Thị Hồng Vân (7 tuổi) ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) ra biển tắm một mình khi thủy triều cạn. Do không có người nhà đi kèm, em Vân đã trượt chân xuống hố sâu chết đuối.
 
Những sự việc đau lòng trên một phần do thiếu sự quan tâm của gia đình, phần khác vì ý thức của các em còn nhiều hạn chế, trẻ em vô tư và ham vui nên không thể lường được hết những nguy hiểm do việc tắm sông, suối…
 
Làm gì để phòng tránh đuối nước ở trẻ?
 
Quảng Ngãi là địa phương có nhiều ao, hồ, sông, suối và biển nằm rải rác. Vì thế, việc trẻ em địa phương tiếp cận sông nước để vui chơi là điều rất dễ dàng.  
 
Chúng ta ai cũng biết nguyên nhân đuối nước là do môi trường không an toàn, người lớn chưa giám sát trẻ một cách chặt chẽ, kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân còn hạn chế, nhiều trẻ không biết bơi… Nguyên nhân thì ai cũng biết, thế nhưng tại sao tình trạng đuối nước vẫn diễn ra mà không có biện pháp phòng tránh hiệu quả, mỗi mùa hè đi qua, vẫn có những học sinh bị chết đuối… từ sông nước?
 
Vấn đề này cũng đã được các cơ quan, ban ngành cũng như các tổ chức xã hội quan tâm. Tuy nhiên, để phòng tránh và hạn chế tử vong do đuối nước cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ; trang bị kiến thức, cảnh báo trẻ có ý thức tự bảo vệ mình; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội, nhất các bậc cha mẹ trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em.
 
Dạy bơi và trang bị những kiến thức an toàn sông nước cho trẻ là cách phòng tránh đuối nước hữu hiệu
Dạy bơi và trang bị những kiến thức an toàn sông nước cho trẻ là cách phòng tránh đuối nước hữu hiệu
 
Thông thường thì gia đình là nơi trẻ em được bảo vệ tốt nhất, nhưng một thực tế là hiện nay nhiều gia đình chưa quan tâm, quản lý và giám sát trẻ đúng mức do bận rộn kiếm sống. Đây cũng là chính là yếu tố khiến nguy cơ xảy ra đuối nước dễ xảy ra, nhất là đối với những trẻ sinh sống ở ven sông, biển. Chính vì vậy, hơn cả vẫn là sự quan tâm, để ý của phụ huynh đối với các em.
 
"Để đề phòng đuối nước cho trẻ thì cách tốt nhất là dạy trẻ bơi và những kỹ năng phòng tránh hay cấp cứu khi có bạn bị đuối nước, gặp nguy hiểm. Các khu vực ao hồ, sông suối... cần có các biển báo nguy hiểm, cấm các em học sinh xuống tắm"- anh Nguyễn Văn Tấn- ở xã Tịnh Hòa (Tp.Quảng Ngãi) nhận định. 
 
Thiết nghĩ, đã đến lúc những việc cảnh báo, phòng ngừa và phản ứng khi có sự cố xảy ra cần được trang bị ngay cho trẻ em, không chỉ bằng lời nói mà là những hướng dẫn thực tế, không chỉ một hai ngày hướng dẫn hời hợt mà là cần một chiến lược bài bản, có như vậy, mới đề phòng nguy cơ đuối nước một cách hiểu quả và sẽ không còn đau lòng bởi những thông tin sét đánh từ sông nước.
 
 
Bảo Ngọc
 
 

.