(Báo Quảng Ngãi)- Cái tên TP. Quảng Ngãi ra đời cách đây tròn một thập kỷ (2005 - 2015), thế nhưng, đến hôm nay, không ít người dân ở những vùng nông thôn trong tỉnh, thậm chí là những người gốc thành phố vẫn còn quen gọi với cái tên thân thương: “Thị xã Quảng Ngãi”. Ký ức ấy, thói quen ấy cũng là những kỷ niệm về một thời khốn khó, để chứng kiến một thành phố trẻ hôm nay đang mạnh mẽ vươn mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để ghi lại những ký ức về thị xã Quảng Ngãi sau những ngày giải phóng, tôi đã lang thang trên những con đường xưa cũ của thành phố, tìm gặp những người đã gắn bó với thị xã từ những ngày đầu quê hương, đất nước được thống nhất. Với họ, 40 năm qua, cái thị xã Quảng Ngãi ngày trước và hôm nay là TP. Quảng Ngãi đã thay da, đổi thịt bội phần, nhưng ký ức về thị xã xưa vẫn chưa thể phai nhòa.
Ký ức một thời
Nhà báo Võ Quý Cầu, bút danh Cẩm Thư là một trong những nhà báo ở Quảng Ngãi gắn bó và hay hoài niệm về thị xã Quảng Ngãi ngày ấy chia sẻ rằng, thị xã Quảng Ngãi trước năm 1975, chỉ lèo tèo những con đường như: Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lê Trung Đình... Sau ngày giải phóng, thị xã Quảng Ngãi lúc bấy giờ như đang ngủ yên cả thập niên khi Quảng Ngãi và Bình Định là một. Thời đó, cuộc sống khó khăn, người dân thị xã đã nông thôn hoá thị thành. Nhà nhà che chắn lại thành vuông, thành khoảnh để nuôi heo, trồng rau. Dòng sông Trà trong mùa mưa lũ, không có đê bao nên chỉ sau vài ngày mưa lớn ở thượng nguồn thì "phố biến thành sông". Sau ngày tái lập tỉnh năm 1989, thị xã trở thành trung tâm tỉnh lỵ, từ đây, vùng đất Cẩm Thành (tên gọi vùng đất thị xã Quảng Ngãi ngày xưa) bắt đầu được đầu tư, mở rộng.
![]() |
Tháp nước và Bưu điện là những công trình điểm nhấn của thị xã Quảng Ngãi trước đây. |
Còn ông Tạ Công Hiền, nguyên là Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi (1976 - 1983) có những ký ức luôn hằn sâu trong tâm khảm của ông: Sau giải phóng, người dân tản cư trở về dựng lại nhà cửa để sinh sống làm ăn. Thị xã ngày ấy nhỏ bé lắm, không được như thị trấn Sông Vệ hay Châu Ổ bây giờ. Lúc bấy giờ là thời kỳ bao cấp nên mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn. Buôn bán của người dân thị xã chỉ chiếm khoảng 10%. Phần lớn là mua bán quốc doanh, buôn bán tư nhân rất hạn chế. Bản thân ông khi đi vào Quy Nhơn họp hành cũng phải đi từ đêm hôm trước mới kịp có mặt đầu giờ sáng hôm sau để họp. Người dân, cán bộ đều tận dụng ngôi nhà của mình để chăn nuôi, trồng rau cải thiện cuộc sống. Mỗi khi có ai đến thăm thì chủ nhà thấy ái ngại, còn khách thì cảm thấy không thỏa mái bởi mùi nước thải trong chăn nuôi. Nhưng họ cũng thông cảm cho nhau, vì cuộc sống lúc bấy giờ không thể khác được.
Một dấu ấn khó quên nữa ghi đậm dấu ấn thăng trầm của thị xã được nhà báo Cẩm Thư nhớ lại: Tôi nhớ như in, năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình chia đôi. Thị xã nhỏ bé đón hàng nghìn cán bộ, công nhân viên chức trở về. Trụ sở UBND thị xã trở thành trụ sở của UBND tỉnh, mỗi sở ngành được phân ở tạm một phòng để làm việc. Ngày đó, nghèo khó vô cùng. Người người uống bia hơi, rượu độ, nhưng quanh bàn nhậu toàn chuyện "canh tân" thị xã thân yêu. Để bố trí cho cán bộ, công chức từ Quy Nhơn về công tác, tỉnh đã xây dựng 96 căn hộ ở khu vực phía bắc ngã ba Thu Lộ (bây giờ là ngã năm). Và cái tên Khu 96 hộ đến giờ vẫn được nhắc đến như là ký ức của không ít người trong thời kỳ khốn khó đó.
Giờ đây, ai cũng cảm nhận thành phố đang trở mình lớn lên từng ngày, nhưng ẩn sâu trong lòng nó là cả một quá khứ thăng trầm. Không ai quên khu vực Nhà máy Đường Quảng Ngãi trước đây thuộc xã Quảng Phú, bây giờ là phường. Từ một Nhà máy đường, bây giờ trở thành KCN Quảng Phú với hàng chục nhà máy, xí nghiệp mọc lên. Hơn 20 năm trước, phía nam thành phố chỉ là những cánh đồng mía, lúa mênh mông. Giờ đây là trục đường Lê Lợi một chiều rộng rãi. Đường Trường Chinh (hay còn gọi đường Bàu Giang - Cầu Mới) đang hình thành, nhiều khu phố, khu dân cư mọc lên sầm uất. Những bùng binh lớn trên những trục đường vành đai như Hai Bà Trưng ở phía bắc; Lê Lợi, Trường Chinh ở phía nam, đường Đinh Tiên Hoàng phía đông là những ngả đường để TP.Quảng Ngãi vươn mình ra tứ phía trên bước đường phát triển.
Không còn thành phố bên sông
![]() |
Đường Quang Trung nằm trên trục đường thiên lý Bắc - Nam giờ đã nhỏ bé và không còn vai trò như trước nữa. |
Trong 40 thập niên qua, từ một thị xã nhỏ bé trực thuộc tỉnh Nghĩa Bình rồi trở thành thị xã tỉnh lỵ vào năm 1989. Đến 2005, cái thị xã nhỏ bé ấy đã trở thành TP. Quảng Ngãi hôm nay, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và an ninh - quốc phòng của tỉnh. Diện tích tự nhiên 16.015,34ha, với 260.252 nhân khẩu, có 23 đơn vị hành chính cấp xã, phường; trong đó có 9 phường và 14 xã.
Thành phố Quảng Ngãi xưa có tên gọi là đất Cẩm Thành. Tuần phủ Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) từng vịnh: "Châu Sa để dưới chân chờ mãi/ Trấn chỉ sau lưng phía Cẩm Thành”. Còn Lê Trung Việt trong Non nước xứ Quảng cho rằng, trước năm 1975, xã Cẩm Thành gồm 4 ấp Nam Lộ, Bắc Lộ, Thu Lộ, Bắc Môn. |
Là một thành phố trẻ mới được 10 năm tuổi, nằm trong chuỗi các đô thị miền Trung trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Năm 2014, một sự kiện trọng đại mang dấu ấn lịch sử đối với TP.Quảng Ngãi là sự mở rộng về phía đông bắc, bao gồm phường Trương Quang Trọng (thị trấn Sơn Tịnh) và 9 xã gồm: Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh) và 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Hà và Nghĩa Phú (huyện Tư Nghĩa). Thành phố Quảng Ngãi giờ đã có cả phố, có cả đồng, có sông và cả biển. Hai bên sông Trà đã và đang hình thành con đường đi về phía biển, cùng với đó là những đô thị mới đang dần mọc lên. Còn đường ven biển Dung Quất- Sa Huỳnh cũng đã “ghé chân” vào thành phố, tô thêm vẻ đẹp cho thành phố biển trong tương lai. Dòng Trà Giang đã nằm giữa lòng thành phố. Danh xưng thành phố bên sông giờ không còn nữa.
Trục đường thiên lý Bắc – Nam mang tên Quang Trung từ lâu đã nhường chỗ cho trục đường tránh đông mang tên Đinh Tiên Hoàng. Với tốc độ phát triển như hiện nay, đường tránh đông rồi cũng sẽ nằm trong lòng thành phố như đường Quang Trung của vài chục năm trước. Đó cũng là viễn cảnh nhãn tiền trên bước đường phát triển mạnh mẽ của TP. Quảng Ngãi trong tương lai.
40 năm qua, những kỷ niệm về một thời khốn khó giờ đã nhường chỗ cho những đổi thay hiện hữu. Và những ký ức về một thị xã xưa cũng là một phần của lịch sử vùng đất Ấn – Trà chắc không thể nào phai nhòa trong mỗi người dân Quảng Ngãi.
X. THIÊN