(Baoquangngai.vn)- Nếu như trước đây, nhiều người dân vùng cao Tây Trà có thói quen tiêu xài một cách phung phí đồng tiền mình kiếm được dẫn đến đói nghèo liên miên, thì giờ đây khi lớp tập huấn về kỹ năng kiến thức chi tiêu phổ biến tại địa phương này, nhận thức của người dân đã cải thiện rõ rệt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Hủ tiền tiết kiệm"
Xã Trà Thanh, huyện Tây Trà được biết đến là một trong những xã xếp vào nhóm nghèo nhất của cả nước. Nguyên nhân đa phần là do đồng bào thiểu số vẫn chưa biết tằn tiện trong chi tiêu mà thoải mái vung xài tiền bạc kiếm được để sắm sửa những thứ không thật sự cần thiết, khiến nguồn tiền dần vơi. Và từ đó, đói nghèo vẫn cứ bám riết những mảnh đời quanh năm gắn với núi rừng mưu sinh.
Thế nhưng, thực trạng đáng buồn ấy đã ngày càng lùi xa sau gần một năm Dự án hỗ trợ giảm nghèo (PRPP) tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng, kiến thức chi tiêu cho hộ gia đình tại huyện vùng cao này. Lớp tập huấn giúp các hộ dân nhận ra được tác hại về sau của việc không quản lý tốt tiền của; làm thay đổi nhận thức, giúp họ biết tiết kiệm hơn, sử dụng đồng tiền đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.
Chị Bích tính toán chi tiêu mỗi ngày và ghi chép cẩn thận. |
Điển hình phải kể đến gia đình chị Hồ Thị Bích (28 tuổi), ngụ tại thôn Vuông, xã Trà Thanh. Đây là hộ áp dụng thành công kiến thức đã học từ lớp tập huấn. “Trước đây gia đình mình khó khăn lắm! Mình lại không biết tính toán chi tiêu nên cứ “thiếu trước, hụt sau”, làm việc gì cũng khó, nhất là thời điểm hai vợ chồng sinh con, tách ra ở riêng”- chị Bích tâm sự.
Đăm chiêu nhìn mặt trời vắt ngang đỉnh núi, chị Bích kể: “Có thời gian dài hai vợ chồng cứ mượn tiền bố mẹ đôi bên để “chắp vá” mà sống qua ngày. Hết thì đi mượn, đi vay, nợ nần thì ngày càng nhiều. Cũng hay đi vay nóng. Vay 1 triệu thì mỗi tháng phải đóng 60 ngàn tiền lãi. Không có tiền đóng lãi nên lãi mẹ đẻ lãi con, nghĩ đến thôi cũng ngán ngẫm rồi”.
Từ khi biết cách tính toán, chi tiêu hợp lý, gia đình chị Bích khá giả lên từng ngày. Chị đã biết tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất. Cụ thể, chị đã không còn phải dồn tiền nhiều để mua thức ăn dự trữ cả tuần như trước, đến hai, ba ngày sau thực phẩm hư hỏng vì không có tủ lạnh bảo quản. Chị đã hạn chế hơn bằng cách mua mỗi ngày, hết lại mua tiếp, tránh lãng phí tới mức thấp nhất có thể.
Giờ đây, gia đình chị đã sắm sửa được một số vật dụng sinh hoạt, giá trị hơn nữa là xe máy, thậm chí còn tích cóp được khoản nho nhỏ nuôi con cái học hành, phòng khi đau ốm với nguồn tiền “dôi” ra từ việc biết tiết kiệm. Và mỗi khi có ai đề cập đến vấn đề này thì tiếng cười vang lên rôm rả từ những thành viên trong tổ ấm.
Cũng giống như chị Bích, gia đình anh Hồ Xuân Hoàng, ngụ ở thôn Cát, xã Trà Thanh cũng đang khá lên từng ngày nhờ “bảo bối” là cuốn sổ tay ghi chép kinh nghiệm sau lớp tập huấn. Nhờ nó, mà anh biết lưu lại và nhớ rõ những khoản thu chi hằng ngày của gia đình. “Đó là cách làm rất khoa học, có vai trò quan trọng trong đời sống của tôi và đồng bào nơi đây, giúp mọi người thoát cảnh túng quẫn”- anh Hoàng phấn khởi.
Từ số tiền tích lũy trong thời gian ngắn, anh mạnh dạn sử dụng để đầu tư trống quế. Hiện tại, anh sở hữu đến 5.000 gốc quế từ 10-15 năm tuổi; 40.000 cây keo lai 4 năm tuổi và một số vật nuôi có giá trị kinh tế. Chỉ tính riêng nguồn thu từ cây quế hằng năm, gia đình anh Hoàng bỏ túi gần 50 triệu đồng. Hai năm trở lại đây, anh Hoàng có thêm nguồn thu nhập từ nghề làm công cắt gỗ keo. Mức thu nhập như vậy cũng không khá giả mấy, nhưng gia đình anh Hoàng nhờ biết chi tiêu nên cũng đủ trang trải trong cuộc sống.
Ông Hồ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trà Thanh, khẳng định: “Từ khi được tham gia lớp tập huấn, 40 học viên đang dần thay đổi về cách thức chi tiêu. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tiếp tục tuyên truyền theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”, huy động nhiều người học cách chi tiêu có kế hoạch mà đi đầu là những học viên tham gia lớp tập huấn. Qua đó, nhằm góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và tái đầu tư, sản xuất”.
Cần nhân rộng
Một thực tế đang diễn ra ở nhiều huyện vùng cao, nhất là những vùng gần dự án là người dân khi nhận được tiền đền bù thì suốt ngày chỉ biết hưởng thụ và quên bẵng đi việc canh tác nương rẫy thường nhật. Họ đốt tiền “tự dưng mà có” vô tội vạ, sắm sửa những vât dụng xa xỉ, đắt tiền như xe ô tô, điện thoại xịn… hoặc say xỉn suốt ngày nên đồng tiền cứ thế “đội nón ra đi”.
![]() |
Lớp tập huấn tại xã Trà Thanh (huyện Tây Trà). |
Tham gia lớp tập huấn, học viên sẽ nắm rõ hơn các khái niệm trong chi tiêu, phân biệt giữa nhu cầu và ước muốn, cách chi tiêu như thế nào là hợp lý, vay mượn nợ có phải là giải pháp tốt? Đồng thời, giúp học viên cách lập kế hoạch chi tiêu theo từng tháng một cách chi tiết, rõ ràng.
Ông Trương Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trưởng ban quản lý Dự án hỗ trợ giảm nghèo (PRPP) ở Quảng Ngãi, cho biết: “Lớp tập huấn là một phần nội dung quan trọng trong dự án, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, cây, con, giống. Qua một năm triển khai, lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức về chi tiêu cho các hộ gia đình ở xã Trà Thanh (huyện Tây Trà) được đánh giá cao, đang mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều hộ đã có phương pháp lập kế hoạch chi tiêu gia đình một cách hợp lý, từ đó góp phần ổn định đời sống, chủ động về sản xuất, hoàn trả tiền vay đúng thời hạn và tăng dần nguồn vốn tích lũy”.
Tại Quảng Ngãi, ngoài xã Trà Thanh (huyện Tây Trà), lớp tập huấn còn được triển khai tại xã Bình Trị (huyện Bình Sơn), xã Long Mai (huyện Minh Long), xã Trà Sơn (huyện Trà Bồng). Tuy nhiên, con số này, vẫn còn khá khiêm tốn. Những lớp tập huấn như thế này, cần thiết được nhân rộng nhiều hơn.
Cũng theo ông Trương Đình Đức, thời gian đến, dự án sẽ dành một phần kinh phí để tiếp tục mở thêm nhiều lớp cho đồng bào vùng cao. Đặc biệt, đối tượng được mở rộng không chỉ dừng lại ở những người phụ nữ của gia đình mà là tất cả thành viên trong gia đình/.
Bài, ảnh: Th.Hậu