(Báo Quảng Ngãi)- Cậu bé Đinh Văn K'Rể người dân tộc Hrê ngụ ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba (Sơn Hà) được chẩn đoán mắc hội chứng Seckel. Năm nay, Đinh Văn K'Rể đã tròn 6 tuổi nhưng chỉ nặng 3kg. Em đang nỗ lực đến trường, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa và bắt đầu hành trình học chữ đầy cam go của mình.
Ngay sau khi được cha dẫn đến trường, cậu bé K'Rể nhanh nhẹn bắt nhịp với không khí học tập đầy sôi động tại lớp. K'Rể bị bạn bè vây quanh, vì lần đầu tiên các em thấy một bạn học "tí hon”. K'Rể không tỏ ra sợ hãi mà nở nụ cười nhìn những người bạn mới quen.
![]() |
Cậu bé Đinh Văn K'Rể được thầy giáo Đặng Văn Cương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba nhận vào lớp. |
Nhà K'Rể cách trường hơn 4 giờ đồng hồ vượt núi. Để đi học, cha mẹ K'Rể đã phải thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, để đưa cậu đến trường. Chứng kiến thấy đứa con sau nhiều năm nuôi mãi không thấy lớn, vui vẻ đùa giỡn cùng chúng bạn, ông Đinh Văn An (cha của K'Rể) không giấu được nỗi xúc động. “Cháu đã đến tuổi đi học. Nên sau khi được nhà trường và chính quyền địa phương vận động đưa cháu đến lớp là gia đình đồng ý ngay. Thấy nhà trường chịu nhận cháu vào lớp, cái bụng mình cũng mừng lắm! Cả đêm hôm qua mình cứ chập chờn không ngủ được, sợ cháu nhút nhát, không hòa nhập được với bạn bè, giờ thì gia đình cũng thấy đỡ lo hơn rồi”, ông An bày tỏ.
Cha của Đinh Văn K'Rể cho biết, lúc mới sinh ra, K'Rể nặng khoảng 0,5kg. Sau gần 6 năm nuôi nấng, K'Rể cũng chỉ nặng hơn 3kg, cao chừng 0,5m. Tháng 3.2014, K'Rể được các chuyên gia y tế kết luận là mắc phải hội chứng Seckel, còn gọi là tật “người lùn, đầu chim”. Đây là bệnh hiếm gặp ở Việt Nam và hiện không có thuốc chữa.
Thầy Đặng Văn Cương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba cho biết: “Sau ngày đầu tiên đến lớp, chúng tôi nhận định cháu Đinh Văn K'Rể có thể tiếp thu kiến thức như một học sinh bình thường. Việc nuôi dạy một học sinh bị mắc bệnh hiếm gặp như vậy là vấn đề còn nhiều nan giải đối với nhà trường. Thế nhưng, nếu gia đình vẫn giữ ý định tiếp tục đưa cháu đến lớp thì về phía chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc học tập, cũng như nuôi nấng cháu tại trường, để cháu có thể hòa nhập và học tập với bạn bè cùng trang lứa”.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN