(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn, nhất là cháy, nổ trong khu dân cư (KDC).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để hiểu rõ những nguy cơ cháy nổ tại KDC, khu đô thị, khu tập thể, chúng tôi đã đi thực tế các KDC trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.
5 năm, gần 250 vụ cháy Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 248 vụ cháy, trong đó cháy ở KDC là 83 vụ (chiếm 33,5%); cháy ở cơ quan, doanh nghiệp 45 vụ; cháy rừng 67 vụ và cháy ở khu vực khác 55 vụ. Hậu quả làm 2 người chết, 4 người bị thương và 2 người bị bỏng nhẹ, thiệt hại khoảng 229 tỷ đồng, 130ha rừng. Điển hình là vụ cháy Chợ Trung tâm tỉnh, thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. |
Tại KDC Trường Xuân, chúng tôi nhận thấy các căn nhà ở đây được xây dựng khá khang trang. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo an toàn dân sinh đã xuống cấp. Các đường kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy (PCCC) & cứu hộ, cứu nạn vốn đã khá hẹp, nay bị người dân chiếm dụng. Nhiều gia đình còn làm cả cổng sắt, lưới sắt kiên cố để bao quanh phía sau và nếu xảy ra cháy nổ, hoặc các sự cố bất thường thì việc thoát hiểm của người dân gặp nhiều khó khăn.
![]() |
Diễn tập PCCC tại KCN tỉnh, góp phần nâng cao ý thức PCCC của người dân và chủ doanh nghiệp. |
Mỗi người dân là một “chiến sĩ” PCCC
Đại tá Võ Đức Nguyện-Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết: Hầu hết nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh đều do ý thức chấp hành an toàn PCCC của người dân chưa cao. Một số cơ quan, doanh nghiệp và người dân chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC. Nhiều người còn chủ quan, ỷ lại vào lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Các vụ cháy gây thiệt hại về người, chủ yếu xảy ra ở loại hình nhà dân kết hợp làm nơi kinh doanh không được trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, lối thoát hiểm không bảo đảm theo yêu cầu. Ở nhiều KDC, đất chật nên khi xây nhà ở, người dân xây theo mô hình nhà ống nhằm tận dụng tối đa diện tích đất nên không có đường thoát hiểm. Còn ở các KDC, khu đô thị mới, khi thiết kế, cấp phép xây dựng đều có đường kỹ thuật PCCC & cứu hộ, cứu nạn, nhưng do thiếu sự quản lý của đơn vị chủ quản và cơ quan chức năng nên người dân vô tư lấn chiếm.
Cũng theo đại tá Võ Đức Nguyện, để nâng cao ý thức PCCC trong nhân dân, thời gian qua, Cảnh sát PCCC tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương thành lập 567 đội PCCC cơ sở, với 4.537 đội viên; thành lập 16 đội dân phòng, với 240 đội viên... Hầu hết các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chủ động đầu tư mua sắm, trang bị phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác chữa cháy phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh; lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy bằng nước... Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn PCCC thì cần nâng cao ý thức của người dân. Trong đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền phổ biến quy định Luật PCCC.
Diễn tập PCCC tại NMLD Dung Quất
|
Bài, ảnh: BÁ SƠN