Để trái tim các em luôn khỏe mạnh

03:10, 27/10/2017
.
0:00
0:00

ĐẶNG NGỌC DŨNG- Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi


(Báo Quảng Ngãi)- Qua 15 năm triển khai thực hiện Chương trình phẫu thuật cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh (BTBS) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đã thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho hàng nghìn trẻ em mắc BTBS. Đồng thời, qua đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần thực hiện chương trình an sinh xã hội của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 1.000 trẻ em ra đời thì có 8 em mắc BTBS. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có thêm 10.000 trường hợp mang căn bệnh này, trong đó có 20 - 30% trường hợp cần thiết phải được phẫu thuật, can thiệp sớm. Đối với tỉnh Quảng Ngãi, dân số khoảng 1,3 triệu người, hằng năm có trên 16.000 trẻ em sinh ra. Ước tính trung bình mỗi năm có hơn 200 trẻ em mắc BTBS, cộng với số trẻ em chưa được hỗ trợ phẫu thuật còn tồn đọng những năm trước, nên số trẻ bị BTBS cần hỗ trợ phẫu thuật ngày càng nhiều...
 
Tái sinh cho nhiều hoàn cảnh

Bệnh tim bẩm sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong tất cả các bệnh bẩm sinh ở trẻ em hiện nay. Nếu trẻ em bị BTBS không được phát hiện, điều trị kịp thời thì chỉ có 10 - 15% có thể sống đến tuổi trưởng thành. Hơn nữa, do chi phí phẫu thuật quá cao, gia đình nghèo không có khả năng chi trả, nên nhiều trẻ em bị BTBS đã tử vong. Vì vậy, thực hiện chương trình phẫu thuật tim bẩm sinh là việc làm cần thiết, có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc đối với trẻ em và gần như là sự tái sinh đối với các em.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Đặng Ngọc Dũng tặng quà cho trẻ em nghèo. Ảnh: X.H
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng tặng quà cho trẻ em nghèo. Ảnh: X.H


Chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị BTBS tỉnh Quảng Ngãi đã được triển khai tại 14 huyện, thành phố; bao phủ đến 184 xã, phường, thị trấn và hoạt động ổn định tại các địa bàn. Chương trình đã giúp trẻ em bị BTBS được phẫu thuật, hòa nhập với cộng đồng, tham gia sinh hoạt xã hội, tạo cho các em có niềm tin vào cuộc sống. Bên cạnh đó, chương trình có sự tác động hỗ trợ qua lại giữa các bệnh viện, gia đình và nhà tài trợ, thu hút được sự hưởng ứng của các tổ chức và cá nhân, trong việc giúp đỡ trẻ em bị BTBS.

Chi phí hỗ trợ cho trẻ em bị BTBS rất cao, tuy nhiên được hỗ trợ nguồn kinh phí, nên giảm bớt gánh nặng cho gia đình có trẻ bị BTBS, nhất là những gia đình có kinh tế từ mức trung bình trở xuống. Đặc biệt, Quỹ vì những trái tim bé bỏng do nhà thơ Thanh Thảo khởi xướng, đã hỗ trợ phẫu thuật rất nhiều trẻ em bị BTBS. Trẻ em bị BTBS sau khi được phẫu thuật đã hòa nhập với cộng đồng, tự chăm sóc bản thân mình, sinh hoạt, vui chơi, học hành... giảm bớt gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội.
 

Trong giai đoạn từ năm 2002 - 2017, số trẻ em bị BTBS đã được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cứu sống là 1.500 em, với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Trong đó, ca hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim thấp nhất là 6 triệu đồng (năm 2002) và ca hỗ trợ kinh phí cao nhất 250 triệu đồng. Những năm đầu số lượng trẻ em được hỗ trợ chỉ ở con số hàng chục, nhưng từ năm 2008 đến nay đã lên đến hàng trăm ca phẫu thuật mỗi năm.

Cộng đồng trách nhiệm, chung tay chăm sóc trẻ em

Hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em bị BTBS được Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể ủng hộ, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, nên đã đạt được nhiều kết quả rất thiết thực. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, cơ quan được giao tổ chức thực hiện chương trình được các đối tác tín nhiệm, đánh giá cao và sẵn sàng cộng tác. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện, gia đình và nhà tài trợ đã tạo thuận lợi để thực hiện phẫu thuật sớm cho các em.

Từ năm 2001 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hoạt động phẫu thuật BTBS cho trẻ em như: Quyết định về việc “Phát hành xổ số đặc biệt vì trẻ em để tạo nguồn kinh phí bổ sung cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thực hiện chương trình phẫu thuật BTBS”. Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phẫu thuật BTBS ở tỉnh; Quyết định huy động 1 ngày thu nhập của CB,CCVC toàn tỉnh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phê duyệt Đề án huy động nguồn lực để tổ chức phẫu thuật cho trẻ em bị BTBS ở tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020...

 Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bùi Đức Thọ gặp gỡ, động viên trẻ em được hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh.                                                                                              Ảnh: T.L
Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bùi Đức Thọ gặp gỡ, động viên trẻ em được hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh. Ảnh: T.L


Qua 15 năm thực hiện, chương trình phẫu thuật BTBS đã vận động tài trợ được trên 60 tỷ đồng, với trên 12 cơ quan, tổ chức tài trợ và 6 cá nhân hảo tâm giúp đỡ nguồn kinh phí như: Tổ chức Nhân đạo Hoa Sen, Hội Từ thiện Comexseo - Pháp, Indochain; Chidren of Vietnam, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.Hồ Chí Minh, VinaCapital, Tổ chức Trả lại tuổi thơ Đà Nẵng, Quỹ Hiểu về trái tim, Quỹ Vì những trái tim bé bỏng, Chương trình “Trái tim hằng hữu” - Công ty Cổ phần Đại Nam, Văn phòng Tư vấn TEKT và Hỗ trợ di truyền Đại học Y Dược Huế và nhiều nguồn tài trợ khác.

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp Phòng LĐ-TB&XH và Trung tâm y tế huyện tổ chức khám sàng lọc cho các em từ 1 - 20 tuổi để phát hiện BTBS. Mỗi năm, chương trình đã tổ chức khám cho hàng ngàn lượt trẻ em, phát hiện hàng trăm em bị BTBS. 15 năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp với 9 bệnh viện chuyên khoa tim mạch trên toàn quốc, để phẫu thuật cho trẻ em bị BTBS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật 714 em (49,11%); Bệnh viện Đà Nẵng 386 em (26,55%); Bệnh viện Hoàn Mỹ -Đà Nẵng  175 em (12,04%); số còn lại phẫu thuật tại: Viện Tim TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Nhi đồng II...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay số trẻ em được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ còn quá ít so với số trẻ em bị BTBS có nhu cầu giúp đỡ, nhất là trẻ em ở các huyện miền núi. Hầu hết số trẻ em bị BTBS thường xuyên bị đau, nhưng ít được thăm khám sức khỏe định kỳ và tư vấn về bệnh tật. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chương trình khám tầm soát BTBS ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nên vẫn còn nhiều trẻ em chưa được khám sàng lọc, do thiếu thông tin. Do điều kiện kinh tế khó khăn cộng với sự thiếu hiểu biết của gia đình, một số trẻ em bị BTBS chưa được quan tâm và chăm sóc đầy đủ. Ngoài ra, hoạt động giáo dục hòa nhập cho trẻ em bị BTBS chỉ mới được tổ chức thí điểm tại một số địa phương, nên chỉ có trẻ em bị BTBS ở những gia đình có mức sống trung bình trở lên được đi học, số ít còn lại chưa có cơ hội được đi học hòa nhập cộng đồng.

Từ thực tế đó, với mục tiêu “Tất cả vì sự nghiệp chăm sóc trẻ em bất hạnh bị BTBS”, yêu cầu đặt ra hiện nay đối với chương trình phẫu thuật BTBS là: Thực hiện phương châm: “Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, phi chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân cùng tham gia”, vì trái tim bất hạnh với sự chung tay góp sức, đồng lòng để trái tim các em được khỏe mạnh. Bám sát mục tiêu, thực hiện đúng các dự án đã ký kết, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc tài chính. Xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, trách nhiệm trong phối hợp tổ chức từ khám sàng lọc phát hiện BTBS, trách nhiệm của gia đình, nhà tài trợ, bác sĩ phẫu thuật, điều trị sau phẫu thuật. Tấm lòng vàng của các nhà tài trợ kinh phí là rất quý, nhưng phải có “bàn tay vàng” gắn với cái tâm của y, bác sĩ thì mới cứu và đem lại cuộc sống mới cho các em bị BTBS./.


 


.