(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các tuyến phố ở trung tâm TP.Quảng Ngãi thường xuyên bị ngập cục bộ, do hệ thống cống thoát nước xuống cấp và nền đường tại nhiều vị trí bị lún, trũng thấp. Để giải quyết tình trạng trên, Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi đã có sáng kiến thu gom nước đưa về ống cống thoát nước chung, góp phần giải quyết tình trạng ngập cục bộ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sáng kiến “con nhà nghèo”
Vùng lõi đô thị TP.Quảng Ngãi hình thành cách đây hàng chục năm, nên nhiều tuyến phố có độ vênh cơ bản với cốt nền chung của khu vực xung quanh, dẫn đến mỗi khi mưa lớn là xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều vị trí. Nguyên nhân là hệ thống thoát nước đã xuống cấp, cộng với đó là lượng nước từ các khu vực cao hơn tràn về.
![]() |
Công nhân đang thi công lắp đặt hệ thống ống thu gom nước tại vị trí ngập cục bộ trên đường Phan Chu Trinh. |
Trước tình trạng trên, các đơn vị chức năng vào cuộc tìm phương án xử lý, nhưng dường như bất lực, khiến tình trạng ngập cục bộ tồn tại nhiều năm qua. Theo Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Nguyên, hầu hết các điểm ngập cục bộ sau mưa lớn nằm ở vị trí trung tâm thành phố. Nếu đầu tư làm mới đường, hệ thống thoát nước... thì quá tốn kém, trong khi đó người dân phản ánh liên tục và đề nghị cần phải có biện pháp xử lý tình trạng trên, vì nếu mãi như vậy sẽ không ổn.
“Trước bức xúc của người dân, Phòng tổ chức họp bàn phương án xử lý, nhưng thực sự chưa biết xử lý như thế nào. Khi đó tôi nghĩ, trước hết phải khảo sát tất cả các điểm ngập và ghi lại địa chỉ cụ thể. Ngay sau đó anh em tung ra đi kiểm tra sau mỗi đợt mưa lớn và hàng chục điểm ngập được ghi lại. Nhưng xử lý ra sao mới là vấn đề. Rất nhiều phương án đưa ra như: Trài thêm lớp nhựa tại vị trí ngập, đầu tư cống thoát nước mới... nhưng dường như không tìm được kết quả nhất định, bởi chi phí quá lớn, hoặc nếu trài nhựa thì sẽ xuất hiện điểm ngập khác”, ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, sau nhiều lần thảo luận, Phòng đi đến quyết định không có tiền thì làm theo kiểu “con nhà nghèo”. Và lên kế hoạch cụ thể, trình lãnh đạo thành phố xem xét và được chấp thuận. Phương án xử lý mà ông Nguyên cho là ý tưởng “con nhà nghèo” ấy là, tại các điểm ngập sẽ cắt đường lắp một ống nhựa phi 60 hoặc phi 90 để thu gom nước đưa về hệ thống cống thoát chính. Với cách làm đơn giản này, nhưng hiệu quả rất rõ rệt khi mà các vị trí sau khi lắp đặt ống nhựa thu gom nước đã xóa tình trạng ngập cục bộ.
Chi phí nhỏ, hiệu quả lớn
“Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nên khi làm việc gì cũng đắn đo làm sao cho hiệu quả nhất và tiết kiệm cao nhất. Thật ra, lượng nước đọng không lớn và vị trí từ điểm ngập đến cống thoát không quá xa, nên đến nay có gần 40 điểm ngập cục bộ được xử lý dứt điểm và chi phí để thực hiện chỉ hơn 500 triệu đồng. Như vậy, mỗi điểm ngập số tiền bỏ ra chỉ hơn 10 triệu đồng”, ông Nguyên cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, gần như các điểm ngập cục bộ ở các tuyến phố trung tâm đã không còn. Trong đó, các tuyến như Nguyễn Nghiêm, Quang Trung, Trần Hưng Đạo... là những tuyến ngập thường xuyên, nhưng nay sau mỗi trận mưa lớn kết thúc, đường phố trở lại thông thoáng, không còn cảnh những “ao nước” tồn tại nhiều ngày như trước đây.
Ông Nguyễn Hải, nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, đoạn giao với ngã năm cũ cho biết, từ ngày có hệ thống thu gom nước mặt tiền nhà ông không còn cảnh bì bõm nước như trước nữa. “Trước đây, dù hết mưa nhưng nước vẫn đọng và rất khó chịu, nhất là mỗi khi xe ô tô chạy ngang qua thì nước bắn vào nhà. Cách làm của thành phố tuy đơn giản, nhưng hiệu quả rất rõ”, ông Hải nhìn nhận.
Theo Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng, tình trạng ngập cục bộ sau mỗi đợt mưa lớn, là điều khiến thành phố trăn trở nhiều năm qua, nhưng nay với phương án xử lý của Phòng Quản lý đô thị thành phố đưa ra, đã cơ bản xóa cảnh ngập cục bộ trên các tuyến phố. “Tuy nhiên, trong những đợt mưa lớn như vừa qua, phương án xử lý này không thể thoát hết nước được. Đây chỉ là phương án “chữa cháy” tạm thời trong điều kiện ngân sách eo hẹp”, ông Hoàng khẳng định.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC