Bình Sơn: Nông dân khốn đốn vì thu hoạch củ mì

08:10, 12/10/2011
.

(QNg)- Năm nay dù Nhà máy mì hoạt động vượt công suất, nhưng củ mì vẫn bị ứ đọng, giá cả lại giảm  so với năm trước, làm cho ngàn hộ nông dân trồng mì ở huyện Bình Sơn khốn khổ...
 

Chị Tống Thị Hiền (45 tuổi) ở thôn 2, xã Bình Hoà cho biết: Mưa liên tục hơn 10 ngày qua làm 2 sào mì của gia đình bị ngập nước, đang bốc mùi thối. Bây giờ không thu hoạch thì củ thối, mà thu hoạch chẳng biết có bán được không và nếu bán được giá cũng, chỉ bằng một nửa so với năm trước. Các năm trước tư thương sẽ đến mua và thu hoạch tại ruộng. Còn năm nay, tư thương mua nhưng với điều kiện: Gia đình thu hoạch xong vận chuyển ra đường nhựa (ruộng mì của chị Hiền xe tải nhỏ vào được đến nơi). Năm nay mưa sớm, nên toàn bộ diện tích mì phải thu hoạch non, sớm hơn từ 3 đến 4 tháng. Mì trồng đúng tháng phải qua tháng giêng, tháng 2 mới thu hoạch. Vì thu hoạch non nên năng suất, chất lượng độ bột của củ mì cũng giảm so với các năm.
 
Chị Nguyễn Thị Bé ở xã Bình Hoà thu hoạch mì non để bán.
Chị Nguyễn Thị Bé ở xã Bình Hoà thu hoạch mì non để bán.

Còn chị Nguyễn Thị Bé (ở thôn 4, xã Bình Hoà) than thở: Cùng thời điểm này năm ngoái củ mì bán với giá 1,8 triệu đồng/tấn. Đầu năm 2011 giá tăng lên 2 triệu, có khi 2,2 triệu đồng. Lúc đó mì còn ngoài đồng tư thương đã đến đặt tiền cọc để mua, bây giờ thu hoạch mì chở ra đường cái để sẵn, năn nỉ mà chưa chắc họ đã mua. Cách đây vài ngày tư thương mua 1,2 triệu đồng/tấn, nay chỉ còn 1 triệu đồng/tấn. Giá thì hạ mà tỷ lệ trừ hao hụt thì tăng (1 tấn mì tư thương trừ 200 kg, tăng 130 kg so với năm ngoái). Dù vậy nhiều hộ nông dân thu hoạch chở ra đường nhựa đợi cả tuần, vẫn chưa bán được mì.

Không chỉ riêng ở khu đông, mà các xã khu tây của huyện Bình Sơn như Bình An, Bình Khương, Bình Minh - nơi được xem là thủ phủ của cây mì thì nhiều nông dân đang điêu đứng... Chị Võ Thị Lan (ở thôn Đức An, xã Bình Minh) cho hay:  "Năm nay gia đình tôi trồng 0,8 ha mì. Trong đó có 0,6 ha trồng ở chân đất pha cát, nên đến mùa mưa là phải thu hoạch để bán nếu không sẽ bị thối củ. Thế nhưng giá cả thu mua như hiện nay không biết bao giờ mới bán được mì. Mùa này trời không nắng, chứ không thì tôi sắt lát đem phơi, ra năm bán mì khô sẽ có giá hơn.

Chị  Phan Thị Nương - một tư thương thu mua củ mì ở xã Bình Long cho biết: là đầu mối thu mua nhiều năm, nên phải giữ uy tín với bà con nông dân. Khi họ thu hoạch thì mình phải thu mua, chứ không năm nay ế mình không mua, năm sau đắt hàng họ không bán. Nhưng ngăït nổi mỗi ngày chị thu mua của nông dân khoảng 20 tấn củ mì, trong khi đó chở vô Nhà máy họ tiêu thụ chỉ một số lượng nhỏ (trung bình khoảng 3 tấn/ngày). Năm nay Nhà máy trừ phần trăm tạp chất quá nhiều (200 kg/tấn), bắt buộc các chủ thu mua phải trừ lại của nông dân, vì vậy năm nay  mua mì chỉ có lỗ chứ không lời. 

Ông Lê Đăng Khoa - Phó phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Sơn cho biết: Mỗi năm diện tích mì trên địa bàn huyện đều tăng, do giá cả thu mua 2 năm vừa qua tăng cao. Năm nay nông dân trồng gần 2.200 ha mì (đứng thứ 2 so với cây lúa). Diện tích mì tập trung nhiều nhất là ở các xã Bình Mỹ, Bình Khương, Bình An, Bình Minh, Bình Phú, Bình Hoà, Bình Trung. Hiện nay việc thu mua mì tại các Nhà máy hạn chế, nên hơn 1.000 ha mì vùng trũng, vùng đất cát, ven sông Trà Bồng của nông dân chưa thu hoạch có nguy cơ bị thối củ.

 Bài, ảnh: Nguyên Hương

.