Trà Bồng: Người dân lo lắng vì dịch bệnh "tấn công" cây quế

02:09, 23/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Cây quế là niềm tự hào của người dân Trà Bồng. Đây là loại cây trồng truyền thống giúp hàng ngàn hộ dân ở đây thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện nay diện tích và chất lượng quế trên địa bàn huyện Trà Bồng đang bị đe dọa nghiêm trọng do các dịch bệnh "tấn công" cây quế.

TIN LIÊN QUAN

Dân lo lắng!

Cây quế trong những năm gần đây đã mang mang lại niềm vui cho rất nhiều người trồng quế ở vùng cao Trà Bồng, bởi từ khi cây quế được công nhận thương hiệu, đầu ra và giá cả của cây quế đã dần được ổn định. Nhưng cùng với niềm vui đó, người trồng quế cũng có không ít những trăn trở, khi những năm trở lại đây trên cây quế đã xuất hiện nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh tua mực khiến sản lượng cũng như chất lượng giảm sút, làm cho không ít hộ gia đình nản chí với cây quế.

Đứng tần ngần nhìn những cây quế còi cọc vì bệnh tua mực tấn công trong rẫy quế, ông Hồ Văn Linh ở xã Trà Sơn không khỏi xót xa. Rẫy quế nhà ông có hơn 10.000 gốc quế 5 năm tuổi, thì có khoảng 20% gốc nhiễm bệnh. Mặc dù quế đã 5 năm tuổi nhưng cây còn rất nhỏ, trên lá, thân, cành, cuống lá và gân lá xuất hiện nhiều các u bướu, sần sùi.

 

Cây quế khi nhễm bệnh tua mực phát triển còi cọc
Cây quế khi nhiễm bệnh tua mực phát triển còi cọc.


Ông Linh cho biết: Từ đầu khi quế nhiễm bệnh, tôi tìm nhiều cách để cứu chữa nhưng vẫn không cứu được. Các ngành chức năng cũng về đây kiểm tra, tư vấn này nọ nhưng vẫn chưa thể hạn chế bệnh này được. So với những cây quế phát triển bình thường, thì những cây quế nhiễm bệnh phát triển rất chậm, ảnh hưởng nhiều đến năng suất và sản lượng.

“Thu nhập chính của gia đình tôi hầu như chỉ dựa vào rẫy quế này, nhưng giờ diện tích quế bị nhiễm bệnh nhiều nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Cây quế vốn có thời gian trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch kéo dài nhiều năm, trong khi diện tích quế bị bệnh tua mực chủ yếu là quế trên 3 năm tuổi nên việc phục hồi diện tích quế này mất rất nhiều thời gian, kinh tế gia đình vì thế cũng gặp khó khăn”-  ông Linh ncho hay.

Theo các nhà khoa học, bệnh tua mực trên cây quế là do tiểu thể Phytoplasma (dịch khuẩn bào) gây nên. Khi cây quế mắc bệnh tua mực sẽ xuất hiện các triệu chứng: Trên lá, thân, cành, cuống lá và gân lá xuất hiện nhiều các u bướu, sần sùi dạng hạt gạo. Các u này phát triển từ cuối tháng 8 và phát triển mạnh vào mùa mưa. Tới cuối tháng 12, các u này tua mọc ra rất dài, có tua dài đến 22cm, đường kính hơn 1cm.

Tình cảnh rẫy quế của gia đình ông Hồ Văn Ngoan, ở xã Trà Thủy cũng tương tự. Với khoảng 3.000 gốc quế hơn 3 năm tuổi, ước tính khi thu hoạch cũng mang lại cho gia đình ông hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, rẫy quế của ông cũng không tránh khỏi dịch bệnh tua mực "tấn công". Theo ước tính của ông, có khoảng hơn 500 cây quế đã bị nhiễm bệnh.

Ông Ngoan cho biết: Cây quế bị bệnh này không chỉ chậm phát triển mà giá thành vỏ bán ra khi thu hoạch cũng giảm đáng kể. Biết là vậy, nhưng mà không có cách gì cứu. "Nếu như giá quế tươi theo giá thị trường hiện nay dao động khoảng 10 - 11 nghìn đồng/kg thì giá vỏ tươi của những cây quế bị bệnh tua mực giảm chỉ còn khoảng 7 - 8 nghìn đồng/kg"- ông Ngoan so sánh.

Đề cập đến vấn đề này, ông Hồ Ngọc Đài - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Trà Bồng cho biết: Từ khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng quế nhiễm bệnh, Trạm đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra và rà soát số diện tích quế nhiễm bệnh, đồng thời báo cáo kết quả cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh  về tình hình bệnh trên cây quế để Chi cục có hướng xử lý.
 
Qua tìm hiểu, hiện tại cây quế trên địa bàn huyện Trà Bồng không chỉ bị bệnh tua mực tấn công mà còn phát sinh các loại bệnh khác như: Bệnh đốm lá, khô đọt, tháng thư, sâu khô đọt... Theo thống kê chưa đầy đủ của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Trà Bồng, diện tích quế bị nhiễm bệnh toàn huyện đến thời điểm này ước trên 30% diện tích, với 275 ha, chủ yếu nhiễm bệnh ở cây quế từ 3 năm tuổi trở lên, tập trung nhiều ở các xã Trà Sơn, Trà Hiệp và Trà Thủy.

Theo nhận định của cán bộ chuyên môn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Trà Bồng thì khi nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh tua mực, cây quế sẽ phát triển còi cọc, lượng tinh dầu trong cây quế giảm rất nhiều. Bệnh xuất hiện trên cây quế chủ yếu vào tháng 9 hằng năm và khi mùa khô đến thì các tua mực khô lại, tạo hình thù dị dạng cho cây quế, làm cho cây quế không phát triển tự nhiên và phát triển ra nhánh, rất khó thu vỏ khi thu hoạch, năng suất giảm rất nhiều.

Chưa có biện pháp điều trị hiệu quả

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Bệnh tua mực xuất hiện trên cây quế từ rất lâu. Huyện cũng đã đề nghị lên cấp trên và đã được Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh đưa vào đề tài và chỉ đạo các ngành chuyên môn nghiên cứu, nhưng hiện nay vẫn chưa có kết quả để điều trị hiệu quả bệnh này.

Sau khoảng 7 - 10 năm trồng, chăm sóc cây quế mới cho thu hoạch thì việc nhiều diện tích quế bị nhiễm bệnh nhưng vẫn chưa có phương pháp trị bệnh hiệu quả đã gây thiệt hại và khó khăn cho người trồng quế. Không ít hộ có diện tích quế bị bệnh nặng đã phải chặt bỏ để tính tới phương án trồng mới phục hồi hoặc chuyển sang trồng keo. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển vùng quế nguyên liệu trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

 

Cây quế nhiễm bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và chất lượng tinh dầu
Cây quế nhiễm bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và chất lượng tinh dầu.

Chia sẻ với chúng tôi ông Hồ Văn Linh ở xã Trà Sơn cho hay: Chính quyền địa phương luôn khuyến khích và hỗ trợ cho người dân chúng tôi mở rộng diện tích trồng quế và canh tác theo hướng bền vững nhưng tình hình dịch bệnh như thế này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của người dân. Dù biết giá cả và đầu ra của cây quế khá ổn định, nhưng hiện nay dịch bệnh xảy ra trên cây quế khó phòng trừ nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác rất lưỡng lự khi quyết định nên tiếp tục trồng quế hay chuyển sang trồng keo.

Nói về hướng điều trị bệnh trên cây quế trong thời gian tới, ông Hồ Ngọc Đài - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Trà Bồng cho biết: Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hiện đang triển khai đề tài nguyên cứu nguyên nhân, phương pháp chữa trị các bệnh trên cây quế và sẽ có hướng chữa trị cụ thể trong thời gian tới.

“Chúng tôi mong được các cấp, ngành liên quan hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa về nguồn giống, tìm ra cách phòng, chữa bệnh, tập huấn phương pháp phòng trị bệnh thích hợp làm cho chất lượng và năng suất cây quế ngày càng tăng lên để người dân yên tâm gắn bó với cây quế, giữ gìn giống quế bản địa của địa phương”- ông Hồ Văn Linh mong muốn.



Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 


.