(Báo Quảng Ngãi)- 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng trong tỉnh tăng nhẹ. Có nhiều nguyên nhân khiến chỉ số này “bình lặng” nhưng chủ yếu là do mức tăng giá của nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu không đáng kể và người tiêu dùng đã tính toán chi tiêu chặt chẽ hơn, góp phần quan trọng ổn định thị trường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014 tăng không đáng kể. Tháng 6.2014 tăng 0,28% so với tháng 5; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 1,94% so với tháng 12.2013.
Người dân mừng
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 tăng thấp cho thấy công tác điều hành thực hiện chính sách phát triển kinh tế của tỉnh đạt kết quả cao. Mặc dù 6 tháng đầu năm giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng được điều chỉnh tăng 3 lần; thịt bò, xi măng, phân bón tăng giá nhưng hầu như không ảnh hưởng đến mặt bằng chung của giá cả thị trường.
![]() |
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn - Quảng Ngãi. Ảnh: THANH NHỊ |
Trong 6 tháng đầu năm, số sản phẩm tăng chủ yếu là thực phẩm tiêu dùng như sữa các loại, bia, bánh kẹo, nước khoáng, nước mắm… Điều này cho thấy người dân trong tỉnh hầu như chỉ tập trung vào việc mua sắm cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày, đã “đẩy” sức tiêu thụ các mặt hàng này tăng. Sức mua tăng song dường như chủ yếu tập trung vào sản lượng bán ra của các siêu thị, cửa hàng lớn. Bình diện chung về sức mua tại các chợ trong tỉnh thực tế không tăng, thậm chí có nhiều cửa hàng, lượng hàng hóa bán ra giảm đáng kể so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ tình hình kinh doanh thương mại trong tỉnh 6 tháng qua tuy có lợi cho người dân, song nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ lại rơi vào trạng thái ngược lại.
Theo nhận định của một số người tiêu dùng trong tỉnh, tình hình chỉ số giá tiêu dùng được giữ ổn định đã chứng tỏ sự cân đối giữa cung – cầu hàng hóa, cân đối tiền – hàng trong khâu lưu thông. Giữ được nhịp độ này trong suốt những tháng đầu năm, kể cả vào thời điểm đầu năm khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng là một thành công lớn trong công tác điều hành chính sách kinh tế của chính quyền. Trọng tâm của chính sách này đã ngày càng hướng mạnh đến người dân, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. “Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng khi đi chợ, giá cả hàng hóa vẫn giữ ổn định. Được như thế này người dân mừng lắm” – bà Nguyễn Thị Chạng, ở thôn Thế Long, xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) cho biết.
Nhiều doanh nghiệp lo
Trong khi sản phẩm thiết yếu tăng thì một số sản phẩm công nghiệp lại có chiều hướng giảm, đặc biệt là tinh bột mỳ, dăm gỗ nguyên liệu, đá xây dựng. Theo báo cáo của Sở Công thương, 6 tháng đầu năm mặt hàng tinh bộ mỳ xuất khẩu giảm tới 23% so với cùng kỳ; dăm gỗ giảm gần 34% so với 6 tháng đầu năm 2013; đá xây dựng giảm gần 5%. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã phải chật vật xoay xở tìm hướng xuất hàng hóa. UBND tỉnh cũng đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ xuất khẩu song tình hình vẫn chưa cải thiện được nhiều.
Theo một số doanh nghiệp trong tỉnh, tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 có khá hơn cùng kỳ song vẫn trong tình trạng khó khăn. Lợi nhuận của không ít doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng không tăng; giá thành sản xuất cao trong khi giá bán sản phẩm thấp. Một số doanh nghiệp đã thực hiện giải pháp kích cầu bằng cách giảm giá bán, tăng chiết khấu để thúc đẩy doanh số bán hàng, song thực tế việc tiêu thụ hàng hóa vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Theo quy luật chung, chỉ số giá tăng thấp là điều kiện tốt để cải thiện cuộc sống của người dân, giữ vững ổn định thị trường. Tuy nhiên, nếu những mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas, giá cước vận tải… tiếp tục tăng giá vào những tháng cuối năm, chắc chắn sẽ kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu khác tăng giá. Trong khi đó, thu nhập của người dân, nhất là người nghèo, nông dân dường như rất ít khả năng được cải thiện. Vì thế “phản ứng” lại thực trạng này, chắc chắn người dân sẽ tiết giảm chi tiêu, dẫn đến sức mua yếu. Như vậy câu chuyện về đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nội địa vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu một số mặt hàng hiện đang có xu hướng chững lại thì khả năng thoát khỏi khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2014 không phải dễ dàng.
Những tín hiệu vui của chỉ số giá tiêu dùng là điều đáng mừng, song thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu lại là nỗi lo của kinh tế Quảng Ngãi. Điều này đặt ra cho các cơ quan quản lý, điều hành kinh tế của tỉnh những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Bình ổn thị trường, ổn định đời sống, sản xuất nhưng phải đảm bảo mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu cho doanh nghiệp là hai bài toán nhưng chung một đáp số. Để tìm được đáp số ấy cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, sát thực, hiệu quả hơn của các cấp chính quyền và ngành chức năng.
THANH NHỊ