(Baoquangngai.vn)- Với mỗi chuyến ra khai thác rau câu chân vịt ở vùng biển Hoàng Sa trở về, sau khi trừ các khoản chi phí thì số tiền bán loại sản vật này của ngư dân Lý Sơn cũng được từ 150-200 triệu đồng/chuyến. Một mức thu khá hấp dẫn và không kém gì so với đi đánh bắt các loại hải sản khác.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sản vật ở vùng phên giậu của Tổ quốc
Có mặt tại khu vực trung tâm huyện Lý Sơn vào một ngày gần cuối tháng 1. Tranh thủ lúc trời hửng nắng, rau câu chân vịt được các chủ đại lý ở đảo Lý Sơn mang ra phơi cho khô để chở vào đất liền bán.
Theo đó màu vàng ươm của rau câu chân vịt nối nhau kéo dài dọc hai bên đường. Vẫn không ngơi tay dùng cào trộn đảo, bà Nguyễn Thị Bé (44 tuổi), ở thôn Tây, xã An Vĩnh cho biết: Vài tuần gần đây do biển động, tàu không đi khai thác nên ít; chứ trời êm sóng lặng thì chân vịt được phơi kín dọc các trục đường.
![]() |
Rau câu chân vịt được phơi khô ở ven một tuyến đường trung tâm huyện Lý Sơn |
Cũng như đánh bắt cá, tôm; khai thác rau câu chân vịt cũng là một nghề truyền thống của ngư dân nơi đây. Ban đầu địa điểm khai thác chủ yếu là vùng biển gần bờ của đảo. Thế nhưng trong quá trình đánh bắt ở khu vực biển Hoàng Sa, nhiều ngư dân đất đảo không khỏi sững sờ khi phát hiện loại sản vật này ở đây nhiều vô số.
Hơn 30 năm gắn bó với vùng biển Hoàng Sa, lão ngư Huỳnh Phụ (sinh 1940), ở thôn Tây, xã An Hải, kể: Không chỉ tôm cá dày đặc, rau câu chân vịt ở nhiều hòn đảo của Hoàng Sa nhiều vô số kể. Có nơi mọc dày như mạ, cao cả nửa mét nằm gần sát bờ.
Theo đó chỉ cần lội xuống là cào, cắt, nhặt chứ không phải lặn để thu hoạch như vùng biển Lý Sơn. Vì vậy mà nhiều tàu thuyền khi ra Hoàng Sa đã chuyển từ đánh bắt cá, sang khai thác rau câu chân vịt.
|
Thu nhập hàng trăm triệu đồng/chuyến
Ông Lê Khuân- Phó chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh cho biết: Hiện ở xã có khoảng 6 chiếc, còn nếu tính chung trong toàn huyện thì ước có trên 10 tàu thuyền chuyên đi khai thác loại sản vật này ở vùng biển Hoàng Sa.
Không cần đầu tư tiền tỉ để mua sắm ngư lưới cụ và thiết bị như đánh bắt các loại hải sản; tàu thuyền khai thác rau chân vịt chỉ cần một số thiết bị cơ bản để định phương hướng, liềm để cắt và vợt, rổ để đựng là có thể ra khơi hành nghề.
Thời gian gần đây thay vì chở tươi về, dẫn đến thời gian khai thác ngắn và số lượng khai thác, tiền bán thu về không nhiều; các tàu khai thác rau câu chân vịt đóng thêm dàn tre để phơi cho khô tạm, kéo dài khai thác lên cả chục ngày/chuyến. Nhờ đó mà thu nhập cũng tăng lên rất nhiều.
Với thời gian ra khơi 10-25 ngày/chuyến, thì số lượng rau chân vịt khai thác được từ 10-15 tấn/tàu. Trừ khoảng chi phí nguyên liệu, thức ăn... từ 120-150 triệu đồng/chuyến thì với giá rau chân vịt hiện được mua 30-40.000 đồng/kg, tiền lãi thu về từ khai thác sản vật này được không dưới 200 triệu đồng/tàu/chuyến.
Tính ra mỗi tàu có trung bình khoảng 7 người đi, thì thu nhập của số đi cùng được trên dưới 20 triệu đồng/chuyến/người. Và theo số ngư dân khai thác rau chân vịt, thì rất hiếm có chuyến đi nào bị lỗ, chỉ có lãi nhiều hay ít mà thôi.
Ngoài mang lại thu nhập khá cho gia đình, cùng với đánh bắt hải sản, với nghề khai thác rau câu chân vịt ở vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Lý Sơn đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước.
Công Hoàng