(Baoquangngai.vn)- Sáng 3.2, Đoàn công tác của Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội do ông Trần Văn- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội làm trưởng Đoàn đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với Quảng Ngãi về Dự án Hồ chứa nước Nước Trong.
Cùng đi có các đồng chí Bùi Đặng Dũng- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Hoàng Văn Thắng- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Dự án Hồ Nước Trong có dung tích thiết kế 289,5 triệu m3 với nhiệm vụ bổ sung nguồn nước, ổn định tưới cho 52.000 ha thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham; tạo nguồn cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho Khu Kinh tế Dung Quất và thành phố Quảng Ngãi, Vạn Tường và 7 huyện đồng bằng của tỉnh, kết hợp với phát điện với công suất 16,5MW được phê duyệt năm 2004 và khởi công xây dựng năm 2005. Tổng mức đầu tư sau 2 lần điều chỉnh trượt giá hơn 2.512 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu chính phủ là trên 1.639 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Giám đốc Ban Quản lý và đầu tư xây dựng 6 (Ban 6) cho biết: Đến hết năm 2014, công trình đã thi công đầu mối đập không tràn đến cao trình thiết kế +131m, đỉnh đập ở cao trình +132,5m. Đập tràn thi công xong mặt tràn đến cao trình thiết kế +115,5, lắp xong cơ khí bản đáy khe cửa, khe phai mặt tràn và hầm chứa phai.
Đoàn giám sát của Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội kiểm tra tại hiện trường. |
Cùng với đó, đã hoàn thiện trồng cỏ và gia cố đập đất hạ hưu, đang tiếp tục chuẩn bị triển khai thi công đỉnh đập. Giá trị vốn kế hoạch đã giải ngân 1.200 tỷ đồng.
Đến nay, hồ đã dâng nước đến cao trình 115,5 m, tích được khoảng 150 triệu m3 nước, bước đầu phát huy hiệu quả giảm lũ và phục vụ nước chống hạn cho hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham.
Tuy vậy, do điều kiện đập chưa hoàn thành nên so với hiệu quả công trình còn quá thấp. Theo tổng mức đầu tư được điều chỉnh, số vốn còn thiếu là hơn 389 tỷ đồng, trừ đi phần dự phòng thì số vốn xây lắp còn thiếu 332 tỷ đồng. Hiện nay do không có vốn nên công trình bị đình trệ, hầu hết các nhà thầu thi công cầm chừng vì khó khăn về tài chính.
Cùng với công trình đầu mối, Dự án Hợp phần Di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong cũng đang trong giai đoạn nước rút, nhưng gặp khó khăn về vốn. Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng 2.074 ha; xây dựng 6 khu và 1 điểm tái định canh để bố trí tái định cư, định canh bền vững cho 465 hộ dân ở xã Sơn Bao, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) và các xã Trà Trung, Trà Thọ, Trà Phong, Trà Xinh (Tây Trà) bị ảnh hưởng bởi dự án. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 656 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2005-2014.
Ông Trần Văn phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh. |
Tổng diện tích bồi thường đến hết năm 2014 là 593,8 ha, đã chi trả tiền bồi thường và giải phóng mặt bằng cho 572 hộ, phần còn lại do không đủ đất theo định suất nên sẽ bồi thường bằng tiền.
Dự án đã hoàn thành xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng 435/465 nhà ở cho các hộ tái định cư, hoàn thành và bàn giao 11 đập dâng và hệ thống đường ống cấp nước tưới và cấp nước sinh hoạt và khai hoang ruộng, vườn và đang chia đất sản xuất cho dân.
So với nguồn vốn phê duyệt thì Dự án còn hơn 283 tỷ đồng chưa bố trí để xây dựng nhà ở tái định cư; giao đất và hỗ trợ sản xuất, hoàn thành khối lượng còn lại của dự án và trả nợ tạm ứng ngân sách tỉnh cho dự án.
“Công trình đã kéo dài 10 năm nhưng hiện nay vẫn còn dang dở, nhất là công tác hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ phát triển sản xuất cho dân. Năm 2014, tỉnh đã cho tạm ứng hơn 116 tỷ đồng để đảm bảo công trình được tiếp tục thi công”- Phó Chủ tịch UBND Phạm Trường Thọ lo lắng.
Với tính cấp thiết của Dự án, Phó Chủ tịch UBND Phạm Trường Thọ đề nghị Ủy ban Tài chính- Ngân sách trình Quốc hội xem xét bổ sung vốn để công trình sớm hoàn thành đưa vào phục vụ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ông Trần Văn- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội cho rằng: Dự án kéo dài quá lâu, đã điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần do trượt giá. Phần còn lại của Dự án không nhiều nên Ủy ban Tài chính- Ngân sách sẽ trình Quốc hội xem xét bố trí nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2014 để dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tin, ảnh: Ái Kiều