Rừng "điều hòa"

10:06, 30/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dưới cái nắng oi bức của miền Trung, từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, người dân thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi (Mộ Đức)  hầu như cả ngày sống dưới tán rừng để tránh nắng nóng. Không chỉ chắn gió, giữ đất mà rừng dương hơn 15ha ở thôn Kỳ Tân được người dân nơi đây phong  là rừng “điều hòa”,

“Lá phổi xanh” của làng

Trưa tháng 6 oi bức, tìm về Kỳ Tân, chẳng có mấy nhà mở cửa. “Đến Kỳ Tân vào buổi trưa, ít ai ở nhà lắm. Muốn tìm  thì cứ ra thẳng rừng dương”, cụ Nguyễn Thành hướng dẫn.

Khác xa với cái nóng oi bức cùng không gian chật chội trong thôn, rừng dương sát mé biển, đón gió lồng lộng và ồn ào, huyên náo tiếng chuyện trò khi mọi khoảnh rừng đều được người dân tận dụng để nghỉ ngơi đón gió trời. Nhà nào đông người thì mang chiếu, nhà nào ít người thì mắc võng. Những chiếc võng xanh, đỏ được mắc vào thân cây dương gần 30 năm tuổi cứ đong đưa bên tiếng ru à ơi của các mẹ, các chị. Mang cả 2 con sinh đôi chưa tròn tuổi vào rừng trú nắng, chị Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Nếu không có khu rừng này thì mọi người không chịu nổi nắng nóng đâu. Ở nhà dù bật bao nhiêu cái quạt, cũng vẫn nóng bức. Nên chỉ có ra đây, hai đứa mới chịu ngủ yên, không quấy”.

 Người dân thôn Kỳ Tân (Đức Lợi) tìm về rừng dương để tránh nắng.
Người dân thôn Kỳ Tân (Đức Lợi) tìm về rừng dương để tránh nắng.


Cách võng của chị Xuân chưa đầy một mét là võng của vợ chồng cụ Trần Một. Trưa nào hai cụ cũng tìm ra rừng dương như một nơi để tránh nóng và tìm những người bạn lâu niên hàn huyên trò chuyện. Vài quả chanh muối, dăm quả chanh dây... được các cụ gói gém mang theo để làm thức uống góp vui với mọi người. Nhiều nhà còn mang theo cả thức ăn, nước uống làm lương thực cho cả ngày ở rừng dương, chỉ đến khi mặt trời khuất bóng thì họ mới trở về nhà... Cứ thế, suốt mấy tháng nắng nóng, rừng dương thôn Kỳ Tân lúc nào cũng rộn ràng, nhộn nhịp khi người nườm nượp tìm đến để “lánh” nắng.

Góp nhiều “vườn” thì thành rừng

“Giải nhiệt” cái nắng gần 40 độ, rừng dương rộng 15ha trải dài theo gần 2km đường bờ biển Đức Lợi vì thế mà được coi như “báu vật” của làng. Lấy nhà mình nhắm thẳng ra bờ biển làm ranh giới, cứ thế, mỗi hộ gia đình ở Kỳ Tân xem bờ biển như vườn nhà và thi nhau trồng rừng.

Nhà ít thì trồng và quản lý 200 cây, nhà nhiều 400-500 cây. Cứ thế, góp nhiều “mảnh vườn” thì thành khu rừng. Màu xanh của rừng dương đã lấn dần màu cát trắng bằng cách ấy. Rừng mọc lên nhiều, thì cát thôi bay. Sóng cũng không thể “ngoạm” dần bờ biển. Mùa gió chướng tháng 9, tháng 10, gió cũng không còn “quật” đổ được nhà vì đã có rừng dương chắn. “Vị trí rừng dương bây giờ là nhà ở của bà con ngày trước. Do biển ngày càng xâm thực nên mọi người phải dời dần vào trong. Bởi vậy, trồng rừng với chúng tôi là việc làm sống còn để bảo vệ nhà mình, bảo vệ đất mình”, ông Võ Văn Muộn - Trưởng thôn Kỳ Tân cho biết.

Nói về ý thức trồng rừng, thì từ hơn 30 năm về trước, khi cả thôn Kỳ Tân ngót nghét 400 hộ nhưng chỉ dùng chung một cái giếng làng, người Kỳ Tân đã rủ nhau trồng và xách từng gàu nước ra tưới cho rừng dương. “Tới mùa “mót” giếng, dù phải “mót” từng gàu, chúng tôi cũng ráng tưới đủ”, bà Nguyễn Thị Nhã nhớ lại.

Cho đến tận bây giờ, khi giếng đào, giếng khoan, công trình nước sinh hoạt... xuất hiện ngày càng nhiều. Nước dồi dào hơn, tình người dành cho rừng dương lại càng thêm đong đầy. Năm 2013, người Kỳ Tân trồng “dặm” thêm 10.000 cây dương liễu cho rừng. Năm 2014, khoảng 7.000 cây dương liễu cũng được chia đều theo từng nhà rồi cùng nhau vun trồng, chăm sóc. Cứ thế, “vàng xanh” vươn lên không ngừng , “ôm trọn” lấy thôn Kỳ Tân, bảo vệ gần cả nghìn nóc nhà nơi đây trước sóng biển, gió biển…


Bài, ảnh: Ý THU


 


.