"Vua" ruộng lúa nước ở Mang He

02:03, 28/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Không chỉ là người mạnh dạn khai hoang, mở đất để trồng ruộng lúa nước, mà ông còn tích cực vận động người dân làm theo, cho những hộ nghèo mượn ruộng lúa nước của gia đình để canh tác, ổn định cuộc sống. Đó là chuyện về già Đinh Văn Vật (1947) người đồng bào Cadong ở thôn Mang He, xã Sơn Bua huyện miền núi Sơn Tây. 

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi tìm đến nhà già Đinh Văn Vật vào một buổi chiều đã muộn. Nhà của ông cũng giản dị như những ngôi nhà sàn khác của đồng bào Cadong ở xã vùng cao Sơn Bua. Nở nụ cười phúc hậu ông đón khách bằng cái bắt tay thật chặt.
 
Trò chuyện với già Vật, chúng tôi được biết thời trai trẻ ông đã từng tham gia bộ đội Cụ Hồ xông pha trên các chiến trường. Trong thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường B, do bị trúng phải bom hơi cay của địch nên đôi mắt của ông không còn thấy rõ. Rời đơn vị trở về đến nay đã 42 năm, với đôi mắt không còn lành lặn, cuộc sống ở vùng núi cao còn muôn vàn gian khó, nhưng bằng ý chí và nghị lực, già Đinh Văn Vật đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và phát triển kinh tế. Đặc biệt, ông là một trong những người trồng lúa nước giỏi ở vùng cao Mang He. 
 
Trải qua 69 mùa rẫy, già Đinh Văn Vật đã có hơn 30 năm gắn bó với cây lúa nước. Tay mân mê những hạt thóc no tròn, già Vật nhớ lại, thoạt đầu ông tự mình đi khai hoang, tận dụng các khe suối đắp các đập nhỏ, khai mương dẫn nước về đồng để làm lúa nước. Ban đầu vài sào, rồi diện tích lúa nước gia đình ông ngày càng tăng lên. 
 
“Hiện ông có bao nhiêu diện tích ruộng lúa nước?”, chúng tôi hỏi. Già Đinh Văn Vật cười bảo: “Ngày trước mình có nhiều ruộng lắm, nhưng mình thấy bà con trong làng còn nghèo khó nên mình chia bớt cho họ, giờ mình còn 23 sào ruộng lúa nước thôi". 
 
Nhớ lại thuở hàn vi lúc mới tiếp cận và trồng cây lúa nước, già Vật chia sẻ: Từ bao đời nay, đồng bào mình chỉ biết trồng lúa rẫy, nên lúc mới trồng lúa nước, do chưa hiểu biết nên toàn thất bại. Những vụ mùa đầu tiên, mình bỏ ra bao nhiêu giống thì thu về bấy nhiêu lúa. Không cam chịu với thất bại, nhờ được sự hướng dẫn của cán bộ, mình tích lũy được kinh nghiệm và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, cuối cùng mình cũng có những mùa vụ bội thu. Mặc dù, năng suất lúa không cao như ở đồng bằng, nhưng nhờ có cây lúa nước mà cuộc sống của gia đình ông bao năm qua luôn đủ đầy, no ấm. 

 

Dù đôi mắt không còn sáng rõ, nhưng già Đinh Văn Vật vẫn có khả năng tự mình làm ruộng được
Dù đôi mắt không còn sáng rõ, nhưng già Đinh Văn Vật vẫn có khả năng tự mình gieo sạ và chăm sóc lúa 
 
Chúng tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều bà con vùng cao, song có lẽ, già Vật là người đọng lại trong chúng tôi nhiều nhất về khát vọng vươn lên mãnh liệt vượt qua số phận đói nghèo, bệnh tật. Vợ chồng ông có 6 đứa con, nhưng cuộc sống khó khăn, vất vã, bệnh tật đã cướp đi 4 đứa con đầu, giờ chỉ còn lại 2 đứa, một trai một gái. Đứa con trai giờ đã đi nghĩa vụ, còn đứa con gái đang theo học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Hướng nghiệp – Dạy nghề của huyện. Vợ ông lại thường xuyên đau ốm nên một mình ông phải cán đáng công việc lao động trong gia đình từ làm lúa nước, trồng keo, cho đến chăn nuôi...
 
Điều khá đặc biệt, dù mắt của ông không còn thấy rõ thế nhưng ông có thể  tự tay xuống ruộng cấy lúa, dọn cỏ, bón phân... như những người sáng mắt bình thường và thậm chí còn làm rất giỏi. Nhiều người trong thôn gọi vui, ông là "vua" lúa nước, bởi lẽ ông không chỉ sở hữu diện tích ruộng lúa nước "khủng" mà còn là người làm giỏi và biết làm cho cây lúa nước đạt năng suất cao nhất vùng. Nhờ vậy, ngoài sự hỗ trợ một phần của Nhà nước từ chế độ chính sách bệnh binh, với 23 sào ruộng, mỗi mùa vụ gia đình ông cũng có của để dành  bằng việc bán lúa. Bà con thôn xóm thiếu ăn cũng được ông cho mượn lúa đến mùa thu hoạch trả lại, hoặc trả bằng cách giúp ông ngày công làm ruộng. 
 
Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, bằng kinh nghiệm của mình già Đinh Văn Vật rất tận tình giúp đỡ bà con trong thôn cách canh tác và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng lúa nước. Từ những kết quả trên, dân làng đến học tập ở ông về cách làm ăn, ông không ngần ngại bày vẽ cho bà con về cung cách làm ăn mới, nhiều gia đình học tập kinh nghiệm ở ông về áp dụng cho gia đình mình đạt kết quả cao. Từ đó, uy tín của ông ngày càng được nâng cao, nhân dân trong thôn càng thêm tin yêu, mến phục.  
 
Nhờ tích lũy được kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên diện tích lúa của gia đình ông đạt được năng suất cao
Nhờ tích lũy được kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên diện tích lúa của gia đình ông đạt được năng suất cao
 
Đối với người dân ở xã vùng cao Sơn Bua, cuộc sống nhờ chủ yếu nhờ vào vào nông,lâm nghiệp là chính. Ngoài trồng keo, mì, lúa rẫy, thì việc trồng lúa nước đã giúp bà con nơi đây no ấm hơn. Bà Đinh Thị Son ở thôn Mang He cho biết: Bà con mình toàn trồng lúa rẫy, hạt được gieo xuống bằng cách đào lỗ rồi bỏ mặc cho trời đất tới ngày thu hoạch thôi. Vì thế năng suất thấp lắm. Thấy già Vật làm lúa nước đạt hiệu quả, mình và nhiều người dân trong làng làm theo.
 
Già Vật làm lúa nước giỏi lắm, mới đầu không biết kỹ thuật làm, già hướng dẫn tận tình cho bà con mình. Bây giờ, người dân làng mình đã biết làm ruộng nước rồi. So với lúa rẫy, năng suất của cây lúa nước cao gấp nhiều lần. Nhờ đó, cái ăn của bà con mình cũng đủ hơn. 
 
Không chỉ hướng dẫn bà con cách làm ăn, già Đinh Văn Vật còn tích cực chăm lo đến đời sống tinh thần của bà con. Là người có uy tín ở địa phương, ông luôn gần gũi động viên thôn xóm đoàn kết chăm lo làm ăn, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bà con có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” được ông gặp gỡ, hòa giải hàn gắn nghĩa xóm tình làng. Nhờ có ông mà những mâu thuẫn, vướng mắc trong thôn, xóm luôn được giải quyết thấu tình đạt lý, giúp người dân an tâm lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
 
Điều đáng quý, khi cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, già Đinh Văn Vật là một trong những hộ tiên phong xin tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. "Tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo không phải vì đã giàu đâu, mà vì trong làng còn có người khó khăn hơn mình, mình cứ ở mãi trong danh sách hộ nghèo thì xấu hổ lắm. Bây giờ mình đã có bò, có đất để sản xuất thì phải tự lực vươn lên, phần nhà nước hỗ trợ để dành cho hộ nghèo hơn mình”- già Vật bảo. 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua Cao Văn Chung chia sẻ: Già Đinh Văn Vật không chỉ là một người điển hình trong việc chăm lo làm ăn, vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống mà còn có nhiều đóng góp lớn trong vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" ông là tấm gương sáng để người dân trong địa phương noi theo. 
 
Bảo Khánh
 

.