Vụ đông xuân mất mùa: Đừng đổ hết "do thời tiết"

03:04, 17/04/2016
.
0:00
0:00

(Báo Quảng Ngãi)- Lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng mất mùa vụ lúa đông xuân 2015 – 2016, phần lớn chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đều đổ lỗi do “thời tiết khắc nghiệt”. Song, nhận định này không nhận được sự đồng tình từ phía nông dân cũng như các ngành chuyên môn...

TIN LIÊN QUAN

Ngoài thời tiết bất lợi, dịch hại tấn công...

Liên tiếp trong hai năm 2014-2015, Quảng Ngãi không xảy ra lũ lớn nên đồng ruộng xuất hiện và bùng phát nhiều loại dịch hại cắn phá cây lúa, đặc biệt là chuột, bệnh đạo ôn và rầy. Trong vụ đông xuân 2015-2016, toàn tỉnh có gần 1.000ha lúa bị chuột cắn phá cũng như nhiễm các bệnh đạo ôn, rầy và vàng lá sinh lý. Bước vào giai đoạn lúa trổ chắc xanh, lại gặp đợt không khí lạnh và mưa phùn kéo dài khiến lúa bị nghẹt đòng, bông ngắn, thối đen lem lép hạt. Năng suất vì thế cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa vụ đông xuân 2015 – 2016 ước giảm từ 15 – 20% so với vụ đông xuân 2014 – 2015. Có nơi như Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh… giảm từ 30 – 70%,  nông dân vì thế cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Các giống lúa dòng ĐH
Các giống lúa dòng ĐH "Made in Quảng Ngãi" thể hiện những ưu điểm vượt trội và nhận được sự ủng hộ của nông dân, ngành chuyên môn.


“Đầu vụ bỏ tiền dọn cỏ, băm ruộng. Giữa vụ bỏ công diệt chuột, tốn tiền mua thuốc trừ bệnh đạo ôn lá, rầy. Đến cuối vụ thu về toàn lúa lép...”, ông Ngô Thanh Thảo, thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức) thổ lộ. Tâm trạng ông Thảo cũng chính là nỗi niềm của nông dân trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua. Theo bà con, đây là vụ thu hoạch kém vui nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.  

...còn do giống kém, sạ dày

Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, theo nhận định của ngành chuyên môn và nông dân thì tình trạng lúa mất mùa, thất thu có sự "góp mặt" không nhỏ của giống và thói quen gieo sạ dày của nông dân. Bởi, cùng điều kiện thời tiết, nhưng các loại giống như VN121, Đồng Văn hay OM6976 thì bị nhiễm nặng các bệnh như khô cổ bông, sâu cắn dé và đạo ôn. Năng suất có nơi chỉ đạt 20 - 30 tạ/ha. Trong khi đó, các loại giống ĐH15-1, ĐH6-1, ĐH11, ĐH500, ĐH13... lại bộc lộ nhiều ưu điểm như chịu lạnh, tỷ lệ nhiễm bệnh đạo ôn thấp. Năng suất vì thế cũng đạt trên 60 tạ/ha. “Giống ĐH11 nhẹ bệnh, cứng cây, năng suất đạt 60 –  65 tạ/ha. Ai thâm canh tốt thì được 70 tạ/ha. Quá đạt so thực trạng lúa năm nay”, ông Trần Mè, thôn An Trường, xã Phổ Ninh (Đức Phổ) khẳng định.

Còn ông Trần Hòa - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) cũng nhận định, thời tiết khắc nghiệt cho thấy, sự vượt trội của các giống lúa “Made in Quảng Ngãi”. Như tại xã Tịnh Sơn, năng suất các giống nằm trong cơ cấu như OM6976, VN121 sụt giảm mạnh do không đủ sức chống chịu với mưa lạnh và dịch hại. Trong khi đó, giống ĐH500 và ĐH6-1 lại đạt năng suất rất cao trong cùng điều kiện thời tiết và kỹ thuật thâm canh. “Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng lúa mất mùa hoàn toàn là do thời tiết và nông dân gieo sạ dày. Tại sao cùng điều kiện sản xuất, cùng chân ruộng, cùng một hộ canh tác mà giống VN121 lại mất trắng, còn ĐH500 lại bội thu”, ông Hòa đặt vấn đề.

 Xung quanh vấn đề trên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Lê Văn Việt cho rằng, trong vụ đông xuân năm nay nhiều giống nằm ngoài cơ cấu nhưng chịu lạnh tốt, ít đạo ôn, tỷ lệ lem lép hạt thấp. Điển hình như dòng ĐH của Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi chọn tạo, sản xuất. Trong khi đó, giống VN121, OM6976 không thích hợp trong vụ đông xuân vì mẫn cảm với thời tiết, dễ nhiễm rầy và đạo ôn. Do đó, với điều kiện thâm canh trung bình, VN121 phù hợp với vụ sản xuất hè thu hơn.

Qua những tồn tại của vụ đông xuân năm nay, nông dân và các ngành chuyên môn mong muốn Sở NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá toàn diện và khách quan việc cơ cấu giống. Nhiều ý kiến cũng đề xuất Sở NN&PTNT cần ưu tiên bố trí, đưa vào cơ cấu những loại giống có nguồn gốc tại địa phương. Vì, dù sao nó cũng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của nông dân hơn so với giống “du nhập”.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.