(Báo Quảng Ngãi)- Nếu như trước đây, khu vực miền núi trên địa bàn Quảng Ngãi là nơi có rất ít hợp tác xã hoạt động; thì nay, một số huyện miền núi đã bắt đầu quan tâm, định hướng thành lập HTX và nhận được sự đồng thuận cao trong dân.
Năm 2016, toàn tỉnh có hơn 200 HTX, nhưng 6 huyện miền núi chỉ có Sơn Hà là có HTX hoạt động hiệu quả. Các huyện Ba Tơ, Trà Bồng từng có HTX, nhưng hoạt động kém hiệu quả, nên đã giải thể...
![]() |
Các hợp tác xã thành lập, sẽ góp phần tạo việc làm và sinh kế cho người dân miền núi. |
Thiếu nhân lực điều hành, phát triển HTX; người dân chưa hiểu đúng về vai trò của HTX, nên còn thờ ơ. Đồng thời chính quyền địa phương chưa vào cuộc định hướng, hỗ trợ thành lập, phát triển HTX... là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết các xã miền núi trên địa bàn tỉnh chưa có HTX. Nhưng bước sang năm 2017, một số huyện miền núi bắt đầu vào cuộc, định hướng, hỗ trợ thành lập, nên số lượng HTX tại các xã miền núi đang có xu hướng gia tăng.
Tại huyện Sơn Hà, từ đầu năm đến nay đã thành lập thêm 3 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện lên 5 HTX.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn Thành Nguyễn Tấn Dũng, tiền thân của HTX NN Sơn Thành là tổ hợp tác với 7 thành viên, quản lý các công trình nhỏ như kênh mương nội đồng. Giờ tổ hợp tác đã phát triển thành HTX với 18 thành viên. Bước đầu đi vào hoạt động, xác định trồng trọt và chăn nuôi là hướng phát triển chính, vừa gần gũi, thân thuộc với xã viên, lại vừa nhanh xoay vòng vốn, các thành viên của HTX thống nhất, liên kết cùng phát triển mô hình chăn nuôi gà, heo, trùn quế...
Tại huyện miền núi Tây Trà, vào tháng 7 vừa qua, HTX NN Trà Trung đã chính thức được thành lập. Đây cũng là HTX đầu tiên của huyện từ trước đến nay.
“Là nơi chưa từng có HTX trước đó, người dân chưa hình dung được thế nào là HTX, nên chưa tin tưởng tham gia. Chúng tôi phải xuống tận thôn để phân tích, định hướng hoạt động cũng như chỉ rõ cách thức làm ăn, lợi ích của người dân khi vào HTX và đã thu hút được 42 thành viên tham gia”, Giám đốc HTX NN Trà Trung Vương Quang Hùng cho biết.
Mục tiêu chính của HTX là phát triển vùng chuyên canh sả và sản xuất tinh dầu sả cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, ông Hùng kỳ vọng, xã viên và người dân địa phương sẽ dễ dàng tiếp cận với mô hình trồng sả. Bởi đây là loại cây dễ trồng và gần gũi với tập quán canh tác của người dân. Song, cũng theo ông Hùng, khó khăn nhất của HTX Trà Trung hiện nay là tìm mặt bằng để xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu. Bởi Trà Trung là nơi có đồi núi bao phủ, lại thường xuyên xảy ra sạt lở, nên để tìm được mặt bằng ổn định đang là vấn đề nan giải đối với HTX mới thành lập này.
Chập chững những bước đi đầu tiên, nhưng HTX ở các xã miền núi đã có những tín hiệu vui. Bước đầu HTX đã giúp đồng bào thiểu số tiếp cận, phát triển được loại hình kinh tế tập thể. Tuy nhiên, về lâu dài, để có thể đứng vững và phát triển, các HTX miền núi rất cần sự trợ lực, giúp đỡ từ các cấp, ngành, địa phương.
Bài, ảnh: Ý THU