Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - tỉnh Quảng Ngãi: Khởi sắc nhờ đổi mới cách làm

03:01, 15/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2017, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - tỉnh Quảng Ngãi (Dự án) đã đạt những kết quả khả quan trong phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Có được kết quả đó là nhờ BQL Dự án đã thay đổi cách làm, cách hướng dẫn, giúp người dân phát huy được hiệu quả mô hình sinh kế được hỗ trợ.

Đồng hành cùng người dân

Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo là mục tiêu quan trọng nhất của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tỉnh Quảng Ngãi. Trong 3 năm triển khai, Dự án đã thực hiện 411 tiểu dự án (TDA) sinh kế, hỗ trợ 6.247 hộ gia đình trên địa bàn 15 xã thuộc 3 huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ.

Các tiểu dự án lúa nước giúp người dân Sơn Hà thu hoạch đạt năng suất cao.
Các tiểu dự án lúa nước giúp người dân Sơn Hà thu hoạch đạt năng suất cao.


Trong hai năm đầu thực hiện, Dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi một số TDA sinh kế chưa phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở. Nhưng đến năm thứ 3 (2017), hầu hết các TDA sinh kế đều sâu sát thực tiễn, mang lại sinh kế bền vững cho người dân, nhất là việc tổ chức thực hiện TDA sinh kế theo nhóm hộ.
 

Tái thực hiện để không… tái nghèo

“Ở miền núi có nhiều mô hình sinh kế rất gần gũi với người dân và mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng lúa, nuôi gà thả vườn… nhưng khi mô hình kết thúc, bà con vẫn không duy trì, áp dụng những kỹ thuật đã được hướng dẫn. Để khắc phục tình trạng này, Dự án bắt buộc, khi tham gia vào các TDA sinh kế đã phát huy hiệu quả, thì người dân phải cam kết tiếp tục tái sản xuất vào năm tiếp theo, nhằm gia tăng trách nhiệm của người dân và giúp họ quen dần với phương thức sản xuất tiên tiến, hiệu quả… Có như thế, mới giúp bà con thoát nghèo bền vững”.
Phó Giám đốc BQL Dự án giảm nghèo Tây Nguyên - tỉnh Quảng Ngãi TRẦN HOÀNG VĨNH

Chẳng hạn, đối với TDA lúa nước dinh dưỡng triển khai tại huyện miền núi Sơn Hà, khi tham gia các nhóm sinh kế lúa nước, các hộ dân chẳng những có trưởng nhóm, phó nhóm cùng cán bộ hỗ trợ, giúp đỡ, mà còn trải qua 8 ngày tập huấn kỹ thuật. Việc tập huấn này được phân chia theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa nước, giúp bà con đồng bào Hrê ở Sơn Hà vốn quen trồng lúa rẫy, giờ áp dụng kỹ thuật canh tác cây lúa nước thành thục.

Bà Đinh Thị Thau, một trong 40 thành viên của TDA nhóm lúa nước dinh dưỡng chia sẻ: “Dự án đã hỗ trợ tôi từ khâu tập huấn kỹ thuật, đến cấp vật tư, phân bón, chăm sóc lúa. Nhờ đó, kết quả thu hoạch vụ hè thu này của gia đình tôi tăng gần gấp đôi so với vụ hè thu năm trước”.

Phát triển bền vững sinh kế

Bên cạnh hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sinh kế ngắn ngày, đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm như lúa nước, gà thả vườn, rau... Dự án còn hỗ trợ người dân trồng trọt, chăn nuôi các giống cây trồng mới như nghệ, nấm, nuôi trùn quế... Tất cả các mô hình này đều được BQL Dự án tìm kiếm, liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ trước khi triển khai sản xuất.

 Sau khi tổ chức, hình thành được các nhóm hộ cùng sở thích và khuyến khích được người dân duy trì mô hình, BQL Dự án tiếp tục định hướng và tiến tới phát triển các nhóm sinh kế này thành tổ hợp tác để từng bước giúp người dân kết nối, nâng tầm quy mô sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.  


Bài, ảnh: Ý THU

 


.