Khởi sắc sau 43 năm giải phóng

10:03, 29/03/2018
.
0:00
0:00

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, cùng với việc đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành đã khai thác những lợi thế của địa phương, để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
 

TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại chặng đường 43 năm sau ngày giải phóng và sau 37 năm tái lập huyện, Nghĩa Hành đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bước chuyển mạnh mẽ

Năm 1982, khi tái lập huyện, sản xuất nông nghiệp của huyện Nghĩa Hành chủ yếu là cây lúa, sản lượng đạt thấp (28.000 tấn); bình quân lương thực đầu người 359kg/năm. Giá trị công nghiệp đạt 8,5 triệu đồng, với những sản phẩm mía đường, gạch ngói thủ công...

Sản xuất ván thanh tại CCN Đồng Dinh giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Sản xuất ván thanh tại CCN Đồng Dinh giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Còn hiện nay, kinh tế của huyện đã có bước phát triển khá đa dạng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 32,2 triệu đồng/năm; sản lượng lương thực tăng hơn 51.000 tấn; năng suất lúa từ 28 tạ/ha lên 64 tạ/ha. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt hơn 800 tỷ đồng; thu ngân sách hơn 164 tỷ đồng. Từ một huyện thuần nông, độc canh cây lúa, đến nay cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn khoảng 29%.
 

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí của huyện nông thôn mới, trong đó chú trọng nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu đến năm 2020, huyện còn 30% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành PHAN BÌNH

Tự hào hơn, Nghĩa Hành là địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Sau 6 năm triển khai, huyện đã huy động gần 420 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, đầu tư phát triển sản xuất, trong đó nhân dân đóng góp 19,5 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 4,84%. Có 41/41 trường đạt chuẩn quốc gia ở 3 bậc học; 12/12 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ. Năm 2016, thị trấn Chợ Chùa được tỉnh công nhận là đô thị loại V.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ phát triển đảng viên bình quân hằng năm đạt 120% so với nghị quyết đại hội. Sau ngày giải phóng, toàn huyện chỉ có 26 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 232 đảng viên. Đến nay, huyện có 60 tổ chức cơ sở đảng, với 2.859 đảng viên; chất lượng sinh hoạt ngày càng được nâng lên, bộ máy chính quyền, mặt trận, đoàn thể được củng cố và hoạt động có hiệu quả.

Đa dạng mô hình phát triển kinh tế

Nghĩa Hành đặt ra hai mục tiêu trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới là, nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó, chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt là, liên kết phát triển các trang trại chăn nuôi theo quy trình VietGAP, doanh nghiệp (DN) bao tiêu sản phẩm, đã tăng thu nhập cho người chăn nuôi; liên kết trong sản xuất lúa gạo hữu cơ nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Anh Trần Nguyên Phú, ở thôn Xuân An, xã Hành Thuận đầu tư nuôi heo theo mô hình VietGAP, với quy mô từ 1.000 - 2.000 con. Quy trình nuôi tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng xuất bán cho các DN chế biến thực phẩm với giá cao. Anh Phú cho biết: “Nuôi theo mô hình này, giá heo chỉ cần 34.000 đồng/kg trở lên là có lãi. Gia đình đầu tư nuôi trên 1.000 con, trừ hết chi phí, bình quân thu nhập 700 triệu đồng/năm”. Đối với sản xuất lúa gạo hữu cơ, huyện đã liên kết với Công ty Nông Tín triển khai ở xã Hành Nhân và Hành Dũng, với diện tích 60ha. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì đầu ra ổn định, đảm bảo các yếu tố môi trường, sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng mô hình lên 200ha, nhằm hướng đến hình thành vùng sản xuất lương thực an toàn, hiệu quả.

Nghĩa Hành là địa phương phát triển mạnh nghề trồng cây cảnh.
Nghĩa Hành là địa phương phát triển mạnh nghề trồng cây cảnh.


Tận dụng thế mạnh đất gò đồi và những bãi nà ven sông, ngành nông nghiệp huyện đã tuyên truyền, vận động người dân trồng cây ăn quả, hoa màu... Đến nay, nhiều cây ăn trái như chôm chôm, cam, sầu riêng đã cho thu hoạch, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, huyện đang giúp các hộ trồng cây ăn quả làm thủ tục đăng ký thương hiệu cho “trái cây Nghĩa Hành”, với mục đích phát triển bền vững loại cây trồng này. Huyện Nghĩa Hành còn tổ chức liên kết các chủ vườn cây cảnh có tay nghề cao để thành lập hợp tác xã cây cảnh, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần, vừa cho thu nhập khá cao. Các nhà vườn trồng mai xuân, các loại cây cảnh, hoa tết... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Những năm gần đây, Nghĩa Hành cũng chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và khôi phục các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tại địa phương. Hiện tại, huyện đang tập trung đầu tư hơn 18 tỷ đồng mở rộng Cụm công nghiệp Đồng Dinh (xã Hành Thuận), thu hút nhiều DN vào đầu tư, trong đó có Công ty May mặc Vinatex chuẩn bị xây dựng nhà máy tại đây, sau khi đưa vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động.

Mô hình chăn nuôi heo theo quy trình VietGAP của gia đình anh Trần Nguyên Phú, ở thôn Xuân An,  xã Hành Thuận cho doanh thu khoảng 700 triệu đồng/năm.
Mô hình chăn nuôi heo theo quy trình VietGAP của gia đình anh Trần Nguyên Phú, ở thôn Xuân An, xã Hành Thuận cho doanh thu khoảng 700 triệu đồng/năm.


Các DN luôn được huyện hỗ trợ các thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Giám đốc Công ty TNHH Phú Điền Trần Khắc Nguyên cho biết: “Chính quyền rất quan tâm hỗ trợ DN thực hiện công tác phát triển, đăng ký và quản lý thương hiệu. Vì thế, trong 6 năm liền, thương hiệu gạch ngói Nghĩa Hành của công ty giữ vững được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhờ đó, sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường, góp phần tăng thu nhập cho DN, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương”.

Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.