Hiệu quả từ mô hình đào tạo nghề ở Nghĩa Thọ

10:10, 23/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi tham gia lớp học nghề kỹ thuật xây dựng theo nhu cầu, nhiều người dân ở xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) đã có được việc làm với nguồn thu nhập ổn định.

TIN LIÊN QUAN

Nghĩa Thọ là một xã miền núi của huyện Tư Nghĩa, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Hrê, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, mặc dù có nhiều mô hình đào tạo nghề được triển khai tại xã nhưng ít phát huy hiệu quả. Để nâng cao chất lượng của các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người dân có việc làm ổn định sau đào tạo, Sở LĐ-TB&XH đã cho người dân tự lựa chọn ngành nghề để học.

Ngôi nhà do người dân Nghĩa Thọ xây dựng sau khi được đào tạo nghề.
Ngôi nhà do người dân Nghĩa Thọ xây dựng sau khi được đào tạo nghề.


Ông Phạm Chinh-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ, cho biết: “Trước đây có tổ chức lớp dạy nấu ăn cho các chị em và nghề trồng nấm rơm, nhưng chỉ có vài người có việc làm”. Năm nay, với chủ trương người dân được lựa chọn nghề để học, phần lớn bà con “bỏ phiếu” chọn nghề kỹ thuật xây dựng. Lý do là trên địa bàn xã hầu như không có chủ thầu xây dựng là người địa phương mà chủ yếu là người từ các nơi khác đến nhận thầu với giá cao. Trong khi đó, lao động địa phương chỉ làm thợ phụ do chưa được đào tạo bài bản. Trước nhu cầu đó, lớp dạy nghề kỹ thuật xây dựng được mở với 71 người theo học.

Sau khi kết thúc khóa học, các học viên chia thành 4 nhóm để nhận thầu các công trình xây dựng trên địa bàn xã. Anh Phạm Lươi (33 tuổi, ở thôn 1) là một trong 4 tổ trưởng có nhiệm vụ nhận thầu các công trình nhà ở trong xã cho anh em trong tổ làm, chia sẻ: “Ngày trước tôi làm phụ hồ, đi theo chủ thầu làm nhà ở mấy xã khác, không dám tự mình nhận làm vì thiếu kiến thức. Bây giờ được học nghề, biết rõ quy cách xây dựng, trong đội lại có tới 11 người nên mạnh dạn nhận công trình để làm. Đến giờ mình đã hoàn thành 4 căn nhà rồi đấy”. Chỉ tay vào căn nhà cả đội đang xây dựng, anh Lươi nói: “Căn nhà này mới nhận hôm đầu tháng 8 âm lịch, giờ sắp hoàn thiện rồi. Làm nhà nhanh, chất lượng đảm bảo nên chủ nhà rất ưng ý”.

Hiện nay, các học viên tham gia lớp đào tạo nghề này đã có việc làm ổn định. Anh Phạm Châu (31 tuổi) có vợ và 2 con, trước đây, vợ chồng anh ngày nào cũng quần quật với công việc cuốc đất, trồng mì, trồng bắp nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Sau khi học nghề, anh được nhận vào làm trong đội của anh Lươi, mỗi ngày anh Châu được trả công từ 180-200 ngàn đồng. Cuộc sống gia đình anh Châu giờ cũng khá hơn trước. Anh Châu khoe: “Có được việc làm ổn định, tôi sẽ dành dụm tiền để sửa sang lại căn nhà và cho các con ăn học”.

Đây là một trong những mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang phát huy được hiệu quả.

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.