(Baoquangngai.vn)- Xuất phát từ mục đích đổi mới tư duy của trẻ, hiện thực hóa cổ tích, một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã không ngại đầu tư xây dựng nên các khu vườn với đầy đủ các nhân vật cổ tích bước ra từ trong sách vở, trở nên gần gũi và thân thuộc với trẻ hơn bao giờ hết.
Học cổ tích từ những mô hình
Trường mầm non xã Đức Thạnh (Mộ Đức) tọa lạc ở vị trí thoáng đãng, ngay cạnh đồng ruộng. Trước mắt chúng tôi là cảnh các cô giáo trẻ ngồi buộc tóc cho các em nhỏ giữa sân trường đầy bóng cây xanh, đối lập hẳn với sự ngột ngạt thường thấy ở các lớp học khác. Thi thoảng gió từ đồng hất vào mát rượi, không gian học của cô trò thật lý tưởng. Ấn tượng hơn là hoạt cảnh cổ tích với những nhân vật mới nhìn cứ ngỡ họ “hóa thân” bước ra đời thật để vui chơi cùng với các em.
“Về miền cổ tích” là công trình xây dựng trên diện tích 200m2, với tổng kinh phí 60 triệu đồng trích từ nguồn vốn xã hội hóa nhà trường huy động được. Đây là trường mầm non đầu tiên của huyện áp dụng phương pháp dạy học mới mẻ này.
Do bước đầu còn gặp khó khăn nên trường chỉ mới tập trung mô phỏng ba cốt truyện chính là “Tấm Cám”, “Thánh Gióng” và “Sự tích Trầu Cau” với những gam màu tươi sáng, bắt mắt, bố trí khoa học có tác dụng gây sự tò mò và hứng thú cao độ để các em quan sát, tiếp thu nhanh.
![]() |
Khu vườn cổ tích ở Trường mầm non xã Đức Thạnh (huyện Mộ Đức). |
Cô Phan Thị Nồng, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đức Thạnh, cho biết: “Hiện cơ sở vật chất của trường còn thiếu. Nhưng các giáo viên đều gắn bó, yêu thương trẻ, mong muốn đem đến cho các em kiến thức bổ ích để không thua kém bạn cùng trang lứa ở thành phố. Và hơn nữa, việc “gieo” những tri thức nền tảng đầu tiên là điều cần thiết, giúp các em không thụ động khi học, không phụ thuộc vào sách vở quá nhiều. Đó là lý do mà trường đầu tư khu vườn cổ tích”.
Cứ thế, sau những giờ học… trẻ cùng với giáo viên lại “Về với miền cổ tích”, được thoải mái liên tưởng, sáng tạo ngay cạnh các nhân vật được mô phỏng, hòa cùng với khí trời mát mẻ, hiệu quả giảng dạy nâng cao rõ rệt.
Cô Lê Thị Ru, giáo viên lớp chồi, Trường mầm non xã Đức Thạnh, tâm sự: “Trước đây khi chưa có khu vườn “Về với miền cổ tích”, việc dạy các tiết học này gặp nhiều khó khăn. Các em tiếp thu chậm, không tưởng tượng được nhiều về nhân vật cũng như các tình huống. Còn nay, chỉ cần nhắc đến tiêu đề là các em nắm như thuộc lòng, có thể kể lại cho bạn nghe câu chuyện mình đã được nghe”.
![]() |
Trẻ ở Trường mầm non xã Đức Thạnh (huyện Mộ Đức) say sưa tìm hiểu câu chuyện Tấm Cám |
Đặc biệt, khi khu vườn xây xong và đưa vào sử dụng, phụ huynh học sinh rất đồng tình, hưởng ứng. Nhiều phụ huynh còn gom góp ủng hộ tiền để chung tay cùng với nhà trường hoàn thiện dần. Họ thấy vui khi con em mình được học ở một môi trường tốt như vậy…
Hòa mình cùng thiên nhiên
Năm 2008, cũng từ nguồn vốn xã hội hóa và sự đóng góp của phụ huynh, Trường mầm non 2.9 (TP.Quảng Ngãi) đã dành hẳn một phần đất để xây dựng khu vườn cổ tích cho trẻ. Qua nhiều lần sửa chữa với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng, khu vườn hoàn thành khá đẹp, khang trang, với rất nhiều những hình tượng nhân vật cổ tích.
Hơn thế nữa, bên cạnh các nhân vật cổ tích, bên trong khu vườn có cả hòn non bộ, cây cỏ, hoa lá rực rỡ sắc màu. Với vườn cổ tích này, trẻ không chỉ có những khám phá về thế giới cổ tích, mà còn ứng dụng vào nhiều nội dung khác: khám phá thiên nhiên, môi trường xung quanh.
Cô Đặng Thị Ngọc Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non 2.9 (Tp.Quảng Ngãi), chia sẻ: “Đây có thể được xem như là một sáng kiến hay đối với việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ. Ngoài việc giúp trẻ thoải mái khi vui chơi, vườn cổ tích đóng một vai trò tích cực trong việc phát triển óc sáng tạo. Cụ thể, từ những hình tượng trực quan sinh động minh họa về các nhân vật, trẻ sẽ nhớ nhanh hơn, phát triển ngôn ngữ và tư duy logic cũng như hứng thú hơn khi đến trường”.
![]() |
Giáo viên Trường mầm non 2.9 (TP.Quảng Ngãi) chăm sóc khu vườn cổ tích. |
Trường mầm non là môi trường đào tạo đầu tiên cho trẻ, làm nền tảng để trẻ tự tin bước vào các cấp học cao hơn. Do vậy, trẻ cần được đáp ứng đầy đủ các phương tiện và công cụ để tìm hiểu, khám phá. Và, để hướng cho trẻ gần gũi với thiên nhiên, bay bổng với những ước mơ, chúng ta cần phải có một không gian vui chơi gần gũi, mang lại nhiều điều bổ ích. Vườn cổ tích chính là khuôn viên rất phù hợp với trẻ ở bậc học mầm non, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Bài, ảnh: Thiên Hậu