Nên hay không cho trẻ học tiếng Anh từ bé?

02:07, 03/07/2018
.
0:00
0:00

(Báo Quảng Ngãi)- Với mong muốn con mình có nền tảng kiến thức môn tiếng Anh vững chắc để có cơ hội phát triển trong tương lai, nhiều bậc phụ huynh cho con học tiếng Anh khi trẻ ở lứa tuổi mầm non.

TIN LIÊN QUAN

Anh N.T.B, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) có con chuẩn bị bước vào học lớp 2, nhưng anh đã cho bé học tiếng Anh từ khi 5 tuổi. Theo anh B, cho con học tiếng Anh ở độ tuổi còn nhỏ sẽ thuận lợi vì khả năng tiếp thu của trẻ tốt hơn và dễ điều chỉnh cách phát âm. Mặt khác, học tiếng Anh ở các trung tâm, trẻ có cơ hội tiếp xúc với giáo viên người bản xứ hoặc trò chuyện với bạn bè bằng tiếng Anh, từ đó sẽ giao tiếp bằng tiếng Anh và phát âm tốt hơn.

 Một tiết học của lớp tiếng Anh mẫu giáo tại Trung tâm Ngoại ngữ I-World.
Một tiết học của lớp tiếng Anh mẫu giáo tại Trung tâm Ngoại ngữ I-World.


Không chỉ có anh B mà hiện nay nhiều phụ huynh cho con học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ từ khi còn bé. Chị T, ở phường Nguyễn Nghiêm, cũng cho con học tiếng Anh từ khi bé ở lứa tuổi mẫu giáo cho biết: Sau một thời gian học, bé có phản xạ tốt hơn, thích thú với việc xem những chương trình nước ngoài. Trẻ em học ngoại ngữ một cách tự nhiên và thoải mái, vì vậy tiếp thu rất nhanh. Con chị từ khi học cũng mạnh dạn, tự tin hơn trước nhiều.

Theo Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ I-World Bùi Hoàng Giao Linh (ở đường Nguyễn Tự Tân, TP.Quảng Ngãi), chương trình học tiếng Anh với các bé giai đoạn này không học viết, mà tiếp xúc ngôn ngữ một cách tự nhiên thông qua 6 giác quan, học những từ vựng cơ bản nhất bằng cách đọc tên các đồ vật xung quanh bằng hình thật, tranh ảnh, tô màu theo chủ đề, làm các đồ vật thủ công, đặc biệt là kết hợp với trò chơi, hoạt động nhảy múa...

Cô Phạm Thị Hồng Liên - Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, cho trẻ học tiếng Anh ở giai đoạn mẫu giáo là thích hợp, tuy nhiên không nên dồn ép trẻ học quá nhiều sẽ gây phản ứng ngược. "Giáo viên và phụ huynh hãy lắng nghe bé nhiều hơn, nắm được tâm sinh lý của bé, kích thích sự hứng thú của bé với những giáo trình đơn giản, bé học màu sắc, tên đồ vật, nói xin chào, cảm ơn và hát những bài hát vui nhộn...", cô Liên nhấn mạnh.

Nhiều giáo viên dạy tiếng Anh đồng quan điểm và có lời khuyên: Ở độ tuổi mẫu giáo, chủ yếu là tập cho bé làm quen với tiếng Anh, học những từ vựng đơn giản, nên kết hợp với trò chơi để bé tiếp thu một cách tự nhiên. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm ra phương pháp học hợp lý, không đặt nặng thành tích.


Bài, ảnh: TRUNG ÂN


 


.