Giáo dục chủ quyền biển, đảo cho học sinh

08:10, 02/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã nghỉ hưu sau 39 năm đứng lớp, nhưng ông giáo Trần Văn Vàng (dạy môn Lịch sử ở Trường THCS Đức Chánh, huyện Mộ Đức) vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi, bởi ông quý nghề dạy học. Vì thế, ông bắt tay nghiên cứu, biên soạn hoàn chỉnh tài liệu giảng dạy tích hợp liên môn về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

TIN LIÊN QUAN

Ông giáo Vàng cho biết: Hiện nay, chương trình lịch sử bậc trung học cơ sở chưa có bài về giáo dục chủ quyền biển, đảo cho học sinh (HS). Giáo viên muốn tích hợp giáo dục chủ quyền biển, đảo, nhưng chưa có tài liệu chính thống.

Để giải quyết khó khăn này, ông đã nghiên cứu, sưu tầm để viết hoàn thiện tài liệu hướng dẫn giảng dạy: “Những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa để giáo dục chủ quyền biển, đảo  cho học sinh bậc trung học cơ sở”.

Ông giáo Trần Văn Vàng.
Ông giáo Trần Văn Vàng.

PV: Giải pháp này có gì mới so với tài liệu mà tỉnh ta đã triển khai giảng dạy cho HS cách đây vài năm, thưa ông?

Ông Trần Văn Vàng: Để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục cho HS tình yêu biển, đảo của Tổ quốc, tôi đã biên soạn và đưa vào giảng dạy trong môn Lịch sử bài học “Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Rất mừng là sau đó vào năm học 2007 - 2008, HS trong toàn huyện Mộ Đức được học bài học này, đến năm học 2014 - 2015 thì giảng dạy cho HS toàn tỉnh thông qua nội dung giáo dục lịch sử địa phương.  

Tôi luôn nghĩ, cùng với sứ mệnh giáo dục tri thức cần phải đặt ra những giải pháp cụ thể để giáo dục nhận thức và tình cảm cho thế hệ trẻ, để các em tiếp thu một cách nhẹ nhàng, có tính hệ thống về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua tích hợp một số bài học có liên quan ở một số môn học như Địa lý, Giáo dục công dân, Ngữ văn... chứ không chỉ riêng đối với môn Lịch sử.

Có thể nói, đây là tài liệu đầu tiên trong cả nước dành để hướng dẫn giảng dạy tích hợp các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân những bài có nội dung về biển, đảo.

PV: Ông cho biết rõ hơn về nội dung hướng dẫn tích hợp ở các môn học?

Ông Trần Văn Vàng: Trong tài liệu này có những minh chứng cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng qua các thời kỳ lịch sử để lồng ghép, tích hợp và giảng dạy học sinh hiểu, biết chứng minh được quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, từ đó giáo dục các em tinh thần yêu quê hương, đất nước, yêu biển, đảo.

Trên cơ sở nội dung, mục tiêu của chuẩn kiến thức các bài học trong sách giáo khoa, tài liệu này hướng dẫn giáo viên giảng dạy tích hợp biển, đảo ở từng bài học sao cho phù hợp, không làm cho nội dung bài học mất đi kiến thức cơ bản. Đơn cử như môn Ngữ văn, lớp 7, tuần 5, tiết 17 có bài “Sông núi nước Nam” (Lý Thường Kiệt), trong đó sẽ tích hợp nội dung: Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với môn Ngữ văn lớp 8, tuần 20, tiết 77 có bài “Quê hương” (Tế Hanh), sẽ tích hợp nội dung: Tình yêu quê hương là tình cảm sâu nặng trong mỗi con người của chúng ta. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng là quê hương, vì vậy chúng ta có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Hay như đối với môn Địa lý lớp 6, tiết 3 có bài 3 “Tỷ lệ bản đồ”, nội dung giảng dạy tích hợp là giới thiệu bản đồ hành chính Việt Nam, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 Môn Giáo dục công dân lớp 6, tiết 7 có bài “Biết ơn”, nội dung giảng dạy tích hợp là biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã bảo vệ  Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể 64 liệt sĩ đã hy sinh năm 1988 khi bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa), để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam...

Thiết nghĩ, một giáo viên muốn dạy tốt không chỉ có kiến thức môn mình dạy mà cần có kiến thức nhiều môn; đồng thời phải đem hết lòng nhiệt huyết để giảng dạy học trò. Phương pháp dạy học tích hợp liên môn làm cho tiết học trở nên sinh động, giúp học sinh hứng thú trong việc tiếp thu kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, và quan trọng hơn là giáo dục các em tình yêu biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.  

Tâm huyết của cả cuộc đời  

Sáng kiến được viết bằng tâm huyết của ông giáo Trần Văn Vàng dày hơn 100 trang đã được Hội đồng giám khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 11 (2018 - 2019) đánh giá cao. Sáng kiến này đã đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và được chọn gửi dự thi cấp toàn quốc.

 

Bài, ảnh: MINH ANH

 


.