Đàn Tìn tu, tình yêu mùa lúa rẫy

02:02, 08/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Khi lúa rẫy trĩu bông, người Hrê lên rẫy canh con sóc, con heo rừng và mang theo cây đàn Tìn tu. Ngồi trong căn chòi, tiếng đàn Tìn tu vang lên khắp các sườn đồi, kết nối những đôi trai gái đang thổn thức yêu đương”, anh Phạm Văn Màu ngụ thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (Ba Tơ) giải thích sau một điệu đàn Tìn tu nhịp nhàng, trầm bổng.

TIN LIÊN QUAN

Mặt trời khuất sau rặng núi. Nhiều thanh niên thôn Làng Mâm quây quần trong gian nhà sàn của anh Đinh Văn Màu sau một ngày lao động mệt nhọc.  Chủ nhà đem cây đàn Tìn tu ra bắt nhịp, tìn…tu…tìn…tu… tiết tấu mạnh,  âm thanh quyện vào nhau bập bùng.  Anh Phạm Văn Điếc bắt đầu lắc lư và hát, mọi người cùng hòa nhịp điệu. Lời hát được anh Điếc dịch lại: “Anh nói với em anh đi bộ đội, em đợi anh về đừng theo ai. Ta yêu nhau trong mùa lúa trổ bông, bây giờ anh còn nhớ không, bao mùa lúa đã chín vàng nương, em đợi hoài biết lòng anh có còn thương...”.

Người Hrê đam mê ca hát, đàn Tìn tu là một trong những nhạc cụ để họ bày tỏ nỗi niềm...
Người Hrê đam mê ca hát, đàn Tìn tu là một trong những nhạc cụ để họ bày tỏ nỗi niềm...


Theo nhiều đồng bào Hrê, mỗi mùa lúa rẫy trổ bông, cây đàn Tìn tu là nhạc cụ đồng hành, người bạn tri kỷ chia sẻ những lúc họ một mình trên rẫy. “Chờ lúc lúa trĩu bông đến lúc gặt được rất lâu, không có cây đàn thì buồn lắm!”, anh Phạm Văn Điếc tâm sự. Ngoài ý nghĩa đuổi sóc, đuổi heo rừng khỏi phá hoại mùa màng, đối với những chàng trai, cô gái mới lớn thì tiếng đàn là lời tỏ tình để họ dạn dĩ đến với nhau sau phút giây ban đầu thẹn thùng, e ấp.  

Khi xưa người Hrê sống phân tán ở các bìa rừng nên ít có dịp gặp gỡ. Nhiều đôi vợ chồng đến với nhau nhờ tiếng đàn Tìn tu làm ông Tơ bà Nguyệt, đến khi con cái đề huề, đàn Tìn tu vẫn theo người Hrê lên rẫy, tiếng đàn lúc này lại có ý nghĩa mong cầu mùa màng bội thu, gia đình no ấm, thuận hòa.

Đàn Tìn tu được làm bằng tre lồ ô. Đàn ông Hrê chọn một mắt tre tròn trịa nhất để làm “thùng” đàn. Cũng từ mắt tre ấy, họ đẽo ra 3 sợi dây tượng trưng cho 3 cung bậc tình cảm của con người. Có lẽ vì cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ như vậy mà đàn Tìn tu được dùng “chuyên biệt” để lên nương. Sau mùa gặt, cây đàn lại được cất lên giàn bếp để tránh mối mọt và cho âm thanh hay hơn ở mùa sau. Đàn Tìn tu có cách chơi và âm thanh như mô phỏng lại tiếng cồng chiêng trầm hùng, nhưng âm thanh của Tìn tu lại dịu nhẹ, êm ái hơn. Tiếng đàn cất lên có thể gợi hình dung về khung cảnh núi rừng của ngày hè, có gió từ rừng thổi mơn man, tiếng chim chóc, và bóng người trên nương mùa lúa chín.

Cùng với cồng chiêng, đàn Pờ Roach, đàn Ra ngói, đàn Tìn tu là một nhạc cụ dân gian không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của người Hrê. Không nhạc cụ nào có thể hát lên những âm thanh của núi rừng hay hơn những nhạc cụ dân gian ấy. Tuy nhiên,  khi những âm thanh hiện đại đã tràn lên vùng cao, những người Hrê hoài cổ lo rằng sẽ có lúc không còn được nghe tiếng đàn Tìn tu mỗi mùa lúa chín.

Bài, ảnh: N.VIÊN- P. LINH
 


.