Tôi đã thấy gì trong đêm nay

11:04, 30/04/2016
.
Thanh Thảo

“Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Cờ bay trăm ngọn cờ bay
Rừng núi loan tin đến mọi miền/ Gió Hoà bình bay về muôn hướng
Ngày vui con nước trôi nhanh/ Nhịp sống bao la xóa bỏ hận thù
Gặp quê hương sau bão tố” (Trịnh Công Sơn)
 
Vâng, tôi đã nghe bài hát lịch sử này. Từ năm 1974, trong một cuộc liên hoan ở cơ quan tuyên truyền Binh vận thuộc Trung ương Cục (R), một người bạn cùng cơ quan với tôi đã đột ngột đứng lên xin hát góp vui một bài. Và anh đã hát ca khúc này của Trịnh Công Sơn, mà lúc đó tôi cũng chưa biết tên bài hát là gì. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe bài hát vừa nghẹn ngào xúc động vừa hồ hởi tươi sáng như vậy, dù thời điểm ấy hòa bình còn chưa tới.
 
Bây giờ đọc lại lời bài hát, thì là một nhà thơ, tôi xin đảm bảo, đó là một trong những bài hát có ca từ hay nhất của Trịnh Công Sơn. Đó là một bài thơ rất hay, rất xúc động, và tác giả viết lên cùng âm nhạc trong cơn vọt trào của xúc cảm.
 
Những nhà thơ rất quý khoảnh khắc này, dĩ nhiên, vừa là nhà thơ vừa là nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn càng hiểu hơn giá trị của khoảnh khắc xuất thần ấy. Đó là ca khúc tiên đoán ngày 30/4/1975, ngày mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ôm đàn ghi-ta tới hát trực tiếp ở phòng bá âm Đài phát thanh Sài Gòn, sau khi Đài phát tuyên bố của Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh về quyết định hạ vũ khí, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh đã kéo dài 21 năm. Đó là lúc:
 
“Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Bàn tay muôn vạn bàn tay
Những ngón tay thơm nối tật nguyền/ Nối cuộc tình nối lòng đổ nát
Bàn tay đi nối anh em/ Về suối quê hương tắm gội nhục nhằn
Mười năm đêm trong tiếng súng/ Ruộng lúa bãi dâu qua cơn kinh hoàng
Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn/ Ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên…”.
 
Đúng, nếu tính từ ngày Mỹ trực tiếp đổ quân vào miền Nam Việt Nam năm 1965, thì thời điểm 30/4/1975 là chẵn 10 năm.
 
Thực ra, mỗi người Việt Nam bình thường đều chỉ ao ước đất nước mình có một ngày ấy thôi, ngày mà “một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh”. Bây giờ, sau 41 năm hòa bình, hàng triệu người con Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đã “tụ về đường số Một”, đã gặp nhau để cùng nhớ lại ngày hòa bình đầu tiên và bao tháng năm nhọc nhằn khổ đau sau đó.
 
Hòa bình và thống nhất, đó là hai điều vĩ đại nhất là ngày 30/4/1975 đã đưa tới cho dân tộc Việt Nam. Những chia rẽ dân tộc là có thật, và đã xảy ra do chiến tranh và ngoại bang, tiếp nối sang hòa bình. Nhưng khát vọng hòa bình và thống nhất vẫn là khát vọng cao cả nhất của mỗi người Việt Nam.
 
Tôi vừa gặp một người bạn Việt kiều Mỹ. Anh nói với tôi, anh đã về quê biển Bình Châu-Bình Sơn (Quảng Ngãi) để sống nhiều ngày với những ngư dân ở đây, và anh quyết định mình phải cùng một số anh em Việt kiều khác ở những quốc gia khác nhau tổ chức những buổi tập huấn giúp ngư dân quê tôi về an toàn lao động trên biển.
 
Anh nói, khi ngư dân Quảng Ngãi đã ra khơi đánh cá tận Hoàng Sa, Trường Sa, thì họ không chỉ là ngư dân, họ còn là những người yêu nước. Tôi nghĩ, chỉ cần đứng trên quan điểm yêu nước, những người Việt dù ở bất cứ đâu cũng dễ tìm được tiếng nói chung. Yêu nước, thương dân, thì hòa hợp và hòa giải dân tộc là chuyện hoàn toàn có thể thực hiện được. 

.