(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ca Dong ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều phụ nữ say mê, sưu tầm, chế tác và biểu diễn các nhạc cụ cổ truyền của dân tộc mình. Họ đến với công việc bằng tinh thần tự giác và niềm say mê riêng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong số những phụ nữ say mê nhạc cổ truyền của dân tộc, chị Đinh Thị Đê, dân tộc Hrê, ở xã Thanh An (Minh Long) từ năm 16 tuổi đã say mê tiếng đàn broot và giờ đã trở thành nghệ nhân tiêu biểu ở xã miền núi này. Những buổi chiều, sau giờ lên nương rẫy trở về, dân làng thường đến ngôi nhà sàn của chị Đê để nghe đàn và hát dân ca. Tiếng đàn broot, hòa cùng tiếng hát của chị làm cho bản làng thêm vui. Làn điệu dân ca calêu, cachoi quen thuộc của người Hrê được gìn giữ, bảo tồn trong cộng đồng người Hrê ở Thanh An, có sự góp sức không nhỏ của chị Đê.
![]() |
Bà Hồ Thị Bảy, ở xã Trà Phong (Tây Trà) dạy phụ nữ trong làng cách thổi amáp. |
Trong cộng đồng dân tộc Hrê ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, nhạc cụ đàn vinh-vút cũng được phụ nữ Hrê chơi rất thành thạo. Nhạc cụ được chế tác bằng tre, rất dễ làm, dễ chơi, nên thu hút nhiều chị em tham gia. Nhạc cụ này được chế tác bằng 2 ống tre, khoét lỗ. Mỗi lần biểu diễn chỉ cần 3-4 phụ nữ. Nhiều phụ nữ Hrê, Ca Dong biết làm nhạc cụ này. Điển hình có chị Đinh Thị Dứa, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây). Theo chị Dứa, nhạc cụ cổ truyền do cha ông để lại, mình phải biết bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Mỗi khi mệt mỏi, buồn vui, chị thường đánh đàn và hát dân ca. Tiếng đàn, lời ca của chị tạo thêm tình đoàn kết cho dân làng Ka La, nơi chị đang sinh sống.
Muốn bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có nhạc cụ của phụ nữ dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến đời sống đội ngũ già làng trưởng bản, người có uy tín và nghệ nhân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần thay đổi nhận thức về bảo tồn văn hóa, đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình văn hóa ở vùng sâu, vùng xa. Xã hội hóa về công tác bảo tồn và gắn đầu tư phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền các dân tộc. Cần xem đây là những tiêu chí trong phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh HỒ VĂN THẾ. |
"Hiện nay, trên địa bàn huyện Sơn Tây còn giữ được trên 270 bộ chiêng, chủ yếu là chiêng Lênh và chiêng Cành, hơn 56 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, đánh chiêng, chế tác các loại nhạc cụ đàn và hát các bài dân ca Ca Dong. Đặc biệt trong số ấy có rất nhiều phụ nữ tuổi đời trên dưới 40 biết chơi đàn, chơi chiêng và hát dân ca", ông Để nói.
Với phụ nữ Cor, dù không biết đánh chiêng, nhưng nhiều người biết múa cà đáo và chơi kèn amáp rất hay. Kèn amáp chính là tiếng lòng của người phụ nữ Cor và nó đã trở thành người bạn gần gũi, quen thuộc với người phụ nữ Cor từ ngàn xưa.
Bà Hồ Thị Bảy, ở xã Trà Phong (Tây Trà) là nghệ nhân chơi kèn amáp nổi tiếng vùng đất người Cor, năm nay cũng đã hơn 90 tuổi nói với tôi: “Mí mê kèn amáp lắm. Các con phải cố gắng bảo tồn, gìn giữ. Nó là linh hồn của người phụ nữ Cor đấy”. Chính vì say mê như vậy nên cả cuộc đời, dù cuộc sống nghèo khó, nhưng bà vẫn luôn gắn bó với chiếc kèn amáp. Có dịp lễ hội là bà thổi. Ai muốn nghe là bà thổi. Bà thổi ở mọi lúc, mọi nơi. Bà sợ nhất là không còn hơi để thổi.
![]() |
Bà Dứa chỉ dạy cho các cháu học sinh cách làm sáo tà lía. |
Bài, ảnh: Đình Quang