Hội thảo kinh nghiệm triển khai kinh doanh xăng sinh học trên thế giới:
Trông người lại ngẫm đến ta…

07:03, 08/03/2014
.

Tại Việt Nam, việc triển khai sử dụng xăng sinh học E5 theo lộ trình là hoàn toàn đáp ứng được, bởi 90% các loại phương tiện tại nước ta đều có thể sử dụng xăng E5 bình thường mà không cần chuyển đổi động cơ.

Ngày 27/2 tại Viện Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm triển khai kinh doanh xăng sinh học tại các nước trên thế giới. Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương; Vụ Khoa giáo Văn xã - Văn phòng Chính phủ, đại diện Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và một số nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học.

Về phía Petrovietnam có đồng chí Phan Đình Đức - Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Sinh Khang - Phó tổng giám đốc Tập đoàn; đại diện các ban chuyên môn, Văn phòng Tập đoàn và các cán bộ thuộc Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).
 

  Hội thảo kinh nghiệm triển khai kinh doanh xăng sinh học tại các nước trên thế giới
Hội thảo kinh nghiệm triển khai kinh doanh xăng sinh học tại các nước trên thế giới


Nhiên liệu sinh học (NLSH) đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, kể từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là xăng E5. Và từ ngày 1/12/2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5. Với xăng E10, lộ trình áp dụng tương tự là 2016 và 2017.

Phát biểu khai mạc và dẫn đề hội thảo, Phó tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Sinh Khang khẳng định quyết tâm của ngành Dầu khí sẽ đưa lộ trình sử dụng xăng sinh học về đích đúng, thậm chí sớm hơn tiến độ nếu có cơ hội. Là đơn vị tiên phong, nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của xăng sinh học đối với vấn đề an ninh năng lượng của đất nước, 5 năm qua, với sức mạnh của một tập đoàn kinh tế hàng đầu, Petrovietnam đã chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch mang tính “đi trước, đón đầu”.

Phó tổng giám đốc Nguyễn Sinh Khang nêu rõ, việc phát triển xăng sinh học là một trong các mục tiêu nằm trong quy hoạch phát triển ngành Dầu khí và là một hướng phát triển được ưu tiên đặc biệt. Petrovietnam đã thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời và phát triển của ngành công nghiệp mới mẻ và đầy triển vọng này, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương triển khai đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất bio-ethanol đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, có thể cung cấp ra thị trường mỗi năm 300.000m3 ethanol nhiên liệu, pha được 6 triệu m3 xăng E5, bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu của cả nước.

Hiện Petrovietnam đang phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi, đi đầu thực hiện thí điểm cung cấp xăng E5 cho thị trường, quyết tâm rút ngắn lộ trình tại địa phương này sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch Chính phủ đặt ra.

Trong các diễn giả, chuyên gia Steve Williams (Công ty Tư vấn năng lượng Applied Trading Systems - Mỹ) nhận được nhiều sự quan tâm với các tham luận liên quan đến chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ, Thái Lan, Philippines, Brazil… trong việc đưa NLSH vào cuộc sống.

Theo ông William, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu xăng dầu với khối lượng rất lớn để phục vụ nhu cầu trong nước, trữ lượng nhiên liệu hóa thạch không lớn hoặc đang ngày càng cạn kiệt, giá nhiên liệu thế giới ngày càng tăng mạnh. Công nghệ sản xuất NLSH cũng không quá phức tạp và Việt Nam có thể tận dụng ưu thế là một nước nông nghiệp, có sẵn nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất NLSH, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chống ô nhiễm môi trường và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh, thân thiện với môi trường, lại có giá thành rẻ hơn nhiên liệu truyền thống như NLSH là xu thế phát triển tất yếu. Do đó, việc đầu tư sản xuất, phát triển thị trường, sử dụng rộng rãi NLSH là một chiến lược đúng đắn và cần được hiểu là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay, không chỉ đối với Nhà nước mà mỗi người dân cũng cần có trách nhiệm thực hiện.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, việc triển khai sử dụng xăng sinh học E5 theo lộ trình là hoàn toàn đáp ứng được, bởi 90% các loại phương tiện tại nước ta đều có thể sử dụng xăng E5 bình thường mà không cần chuyển đổi động cơ. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam cũng đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xăng E5. Đó là chưa kể các ưu thế về nguyên liệu sản xuất.

Điều quan trọng nhất từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia là phải có cơ chế chính sách và mục tiêu rõ ràng để khuyến khích người dân dùng nhiên liệu sinh học như là chính sách trợ giá. Bởi, một sản phẩm tốt hơn, giá cả rẻ hơn sẽ dễ được người tiêu dùng chấp nhận và thay đổi thói quen tiêu dùng. Ở Thái Lan, khi đưa vào sử dụng E10, Chính phủ Thái Lan đã dành ngân sách trợ giá lên tới 1 tỉ USD/năm và bán với giá thấp hơn xăng truyền thống 30-40 cent/lít để khuyến khích sử dụng. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, các đơn vị truyền thông cũng phải nâng cao trách nhiệm xã hội, góp sức, chung tay cùng Chính phủ đưa xăng sinh học vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, các tham luận xung quanh chính sách truyền thông, cơ chế chính sách quản lý thị trường chống gian lận thương mại, chiến lược marketing, rủi ro của doanh nghiệp và hướng giải quyết… cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu và đơn vị kinh doanh trực tiếp.

Để triển khai thành công chương trình NLSH tại Việt Nam, trong khuôn khổ hội thảo này, Petrovietnam thống nhất với các đại biểu sẽ có báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành xem xét chấp thuận một số chính sách hỗ trợ, các giải pháp nhằm giúp thị trường xăng sinh học Việt Nam hình thành và phát triển mạnh.

 

Theo Petrotime


.