Nhân Ngày Khí tượng Thế giới 23.3.2014:
Tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng

03:03, 23/03/2014
.
0:00
0:00

(Baoquangngai.vn)- Tổ chức Khí tượng Thế giới (tên tiếng Anh: World Meteorological Organization, viết tắt tên tiếng Anh WMO) là tổ chức có 189 quốc gia thành viên, đây là tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này có tiền thân là Tổ chức Khí tượng Quốc tế thành lập năm 1873.


Năm 1950, Ngày Khí tượng Thế giới ra đời với mục tiêu giúp cho người dân ở các nước hiểu rõ hơn và đánh giá cao công việc của các Cơ quan phục vụ Khí tượng Thủy văn quốc gia. Ngày 23 tháng 3 được chọn để kỷ niệm sự kiện Công ước Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chính thức có hiệu lực vào năm 1950.

 


Ngày Khí tượng Thế giới 23.3.2014 với chủ đề “Thời tiết và khí hậu: Giới trẻ cùng hành động”, nhằm kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ chung tay hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các thảm họa thời tiết gây ra.

Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết biến động rất khó lường, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như các siêu bão, lũ lịch sử, hạn hán, triều cường, mưa đá và băng tuyết... đã tạo ra hàng loạt vấn nạn tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như làm trì trệ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đáng lo ngại hơn, hiện nhiệt độ khí quyển và đại dương vẫn đang tiếp tục gia tăng, trong khi mực nước biển dâng và khí hậu cực đoan đang “nóng” lên cả về tần suất lẫn cường độ.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), trong những năm qua, các cộng đồng trên thế giới luôn phải vật lộn để phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, mà 90% trong số đó có liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước. Đặc biệt, do tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai xảy ra ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

Ở Việt Nam, chỉ tính trong 10 năm gần đây (2001-2010), các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Tại Quảng Ngãi, những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ, đơn cử như năm 2013 là một năm điển hình về biến đổi khí hậu tác động đến thời tiết: Bão HaiYan, trận lũ lịch sử trên sông Vệ và Trà Khúc đã làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân Quảng Ngãi. Cuối tháng 9 năm 2009, cơn bão Ketsana với cấp gió giật trên cấp 12 đổ bộ trực tiếp khu vực huyện Bình Sơn kèm mưa lớn đã gây lũ lịch sử trên sông Trà Bồng 6.25m (vượt xa mức lũ lịch sử trước đó năm 1999 là 5.15m)...

Việc hành động bảo vệ hệ thống khí hậu không chỉ liên quan đến phát thải khí CO2, mà còn liên quan đến sức khỏe con người. Và giới trẻ chính là nguồn sáng tạo, hình thành tư duy tươi mới nhằm kìm hãm những tiêu cực của thời tiết cực đoan, tránh khỏi thảm họa thiên tai.

Ông Michel Jarraud, Tổng Thư ký WMO cũng cho biết, cộng đồng trên thế giới đang phải vật lộn để phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, mà 90% trong số đó có liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước. “Bởi vậy, cộng đồng, nhất là giới trẻ cần phải hành động khẩn trương, kiên quyết và dũng cảm. Giới trẻ có khả năng nâng cao nhận thức về khí hậu, về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính… nhưng để phát huy hết tiềm năng của giới trẻ vào hoạt động này, chúng ta cần phải lôi kéo họ tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi các chính sách tác động đến họ hôm nay và liên quan đến họ trong tương lai”, ông Michel Jarraud chia sẻ.

 

Nhâm Xuân Sỹ
 


.