Các nhà khoa học Nga đã phát triển thành công một chương trình máy tính có thể vượt qua bài kiểm tra “Turing test” về nhận thức của trí tuệ nhân tạo, chứng minh máy tính cũng có nhận thức như con người.
![]() |
Khi nhà toán học nổi tiếng người Anh Alan Turing tự hỏi "Liệu máy tính có thể nhận thức và tương tác như con người?" và đặt ra bài kiểm tra của mình, thì không ai trong số các đồng nghiệp của ông có thể dự đoán với độ chính xác cao khi nào chương trình máy tính sẽ vượt qua thành công cuộc đọ sức với trí tuệ con người. Theo tờ báo “The Independent”, chương trình máy tính với trí tuệ nhân tạo do các nhà khoa học Nga phát triển, là đủ thông minh để bắt chước và tương tác với con người trong một cuộc trò chuyện, và đã thuyết phục được 33% thành viên ban giám khảo gồm các chuyên gia Anh rằng, họ đang nói chuyện với một con người. Đây là một thành tích đáng kể. Để vượt qua bài kiểm tra, một chương trình máy tính chỉ cần thuyết phục được 30% số người đối thoại.
Cuộc thử nghiệm đã iến hành tại Hội Khoa học Hoàng gia London - một trong những hội khoa học lâu đời nhất trên thế giới. Chương trình máy tính do nhóm chuyên gia Nga phát triển, mô phỏng một cậu học sinh 13 tuổi Eugene Goostman từ thành phố Odessa của Ukraina. Các nhà khoa học từ một trong những trường đại học hàng đầu ở Anh - Đại học Reading, cơ sở tổ chức cuộc kiểm tra, cho biết rằng, thiếu niên nhân tạo đã thuyết phục được một phần ba thành viên ban giám khảo rằng, họ đang tương tác với con người. Bản thân Eugene Gustman cuối cùng nhận xét rằng, bài kiểm tra không có gì đặc biệt.
Các nhà khoa học Anh nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên khi chương trình máy tính vượt qua thành công bài kiểm tra này. Hai người Nga Vladimir Veselov và Eugene Demchenko - tác giả của chương trình máy tính trí tuệ nhân tạo - nói về thiếu niên kỳ diệu Zhenya (Eugene) y như cậu bé này thực sự tồn tại. Ông Vladimir Veselov, người Saint Pererburg, cho biết: "Ý tưởng chính của chúng tôi là phải cho thấy rằng, cậu bé biết khá nhiều điều, dù ở độ tuổi 13 không thể biết tất cả mọi thứ. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để thiết kế một nhân vật giống như thật". Zhenya rất tự tin dẫn đối thoại bằng văn bản.
Theo điều kiện của bài kiểm tra Turing, chương trình máy tính phải có khả năng tương tác với một nhóm người trong vài phút. Và nếu hệ thống máy tính thuyết phục được 30% số người đối thoại rằng, họ đang nói chuyện với con người thì trí tụê nhân tạo của nó có thể được coi là tương đương với con người. Đến gần đây không có chương trình nào có thể vượt qua bài kiểm tra Turing. Trí tuệ nhân tạo do hai nhà khoa học Nga phát triển đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Theo Tiếng nói nước Nga