(Báo Quảng Ngãi)- Trong những ngày đầu tái lập tỉnh, mặc cho muôn vàn gian khó, họ tiên phong “cắm bản” ở miền núi để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, đối với họ được khoác áo blouse là niềm tự hào, là sứ mệnh cao quý.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tuyên chiến với hủ tục
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế, vào thời điểm Quảng Ngãi tròn 1 tuổi sau ngày tái lập, bác sĩ Hồ Minh Nên về công tác tại Bệnh viện huyện Sơn Hà. Tiếng là bệnh viện nhưng trụ sở là dãy nhà cấp 4 cũ kỹ. Cơ sở vật chất chẳng có gì giá trị ngoài máy xét nghiệm công thức máu tìm ký sinh trùng sốt rét. Cả bệnh viện lúc bấy giờ chỉ có bác sĩ Nên cùng với một bác sĩ người địa phương đảm trách công tác chuyên môn.
![]() |
Bác sĩ Hồ Minh Nên (đầu tiên, bên phải) cùng các cán bộ y tế thăm khám sức khỏe cho người dân bị hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Mỗi lần xuống cơ sở, bác sĩ phải băng rừng, lội suối. Khó khăn nhất là cuộc chiến với hủ tục. Người dân xem trọng “thầy mo” hơn bác sĩ. Bác sĩ Nên kể: “Ngày ấy, nạn nghi kỵ cầm đồ khá nặng nề, không ít cán bộ miền xuôi lên công tác ngại tiếp xúc với dân. Nhưng bác sĩ thì phải có mặt ở cơ sở kịp thời để cứu chữa người bệnh và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng”.
Suốt 16 năm công tác ở Sơn Hà, bác sĩ Nên đã cứu sống nhiều người bệnh. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Hà nhiều người luôn nhắc bác sĩ Nên với lòng biết ơn sâu sắc. Nhờ có bác sĩ Nên nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhiều cộng đồng dân cư loại bỏ các hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe. Năm 2007, bác sĩ Nên được UBND tỉnh điều về làm Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Với bác sĩ Nên, dù ở bất cứ cương vị nào, điều khiến anh hạnh phúc là được khoác áo blouse, được chăm lo sức khỏe nhân dân. “Đối với người bác sĩ phải nỗ lực cống hiến và đặt lợi ích người bệnh lên trên hết”, bác sĩ Nên bộc bạch.
Đặt y đức lên hàng đầu
Cũng giống bác sĩ Hồ Minh Nên, sau ngày tái lập tỉnh, bác sĩ Nguyễn Bé (Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi) tiên phong “cắm bản” để chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Ngày ấy, bác sĩ Bé về công tác ở Bệnh viện huyện Ba Tơ. Không quản ngại gian khó, không một lời than thở, bác sĩ Bé băng rừng, lội suối về tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh để khám-chữa bệnh cho dân. Bác sĩ Bé gắn bó với công tác khám-chữa bệnh cho nhân dân Ba Tơ trong suốt 12 năm. Mãi đến năm 2002, anh được tỉnh điều về làm Trưởng trạm chống lao tỉnh. Khó khăn chồng chất, từ thiếu thốn về cơ sở vật chất cho đến thiếu trầm trọng đội ngũ y-bác sĩ, song với lòng yêu nghề bác sĩ Bé đã điều hành tốt công việc, hoàn thành các chỉ tiêu phòng chống lao tại cộng đồng.
![]() |
Trách nhiệm cao cả của các y bác sĩ là tận tình chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh PV |
Khi Trạm chống lao được nâng cấp thành Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, với vai trò giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Bé tiếp tục sát cánh cùng với đội ngũ y, bác sĩ quyết tâm nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho nhân dân, giảm số ca mắc lao tại cộng đồng. Cách đây 10 năm, số ca mắc lao trong cộng đồng từ 1.800 bệnh nhân/năm thì nay giảm còn 1.200-1.300 bệnh nhân/năm. Kết quả điều trị khỏi bệnh đạt trên 85%.
Hằng ngày, bác sĩ Bé đều ân cần hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân. Đối với anh, mỗi một bệnh nhân khỏi bệnh là tin vui trong cuộc đời. Đặc thù công việc có nguy cơ lây nhiễm cao nên bác sĩ Bé thường xuyên động viên y-bác sĩ ở bệnh viện phải hết lòng phục vụ bệnh nhân. Bác sĩ Bé tâm sự: “Đa số bệnh nhân lao là người nghèo. Họ đã chịu cảnh sống thiếu thốn, đau đớn vì bệnh tật. Nếu bác sĩ còn ngại ngần, tạo khoảng cách thì người bệnh biết bấu víu vào đâu. Bác sĩ phải đặt y đức lên hàng đầu, phải nỗ lực gấp đôi để vừa là bạn, vừa là người thầy thuốc tận tụy chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân”.
KIM NGÂN