(Báo Quảng Ngãi)- Được triển khai từ năm 2009, Đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển đảo và ven biển” (gọi tắt là Đề án 52), ngày càng khẳng định được ý nghĩa và vai trò quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ ở xã Bình Trị (Bình Sơn).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chị Nguyễn Thị Lương- Cán bộ chuyên trách dân số xã Bình Trị cho biết: Đề án ban đầu được triển khai gặp rất nhiều khó khăn do người dân đi biển, trình độ dân trí còn hạn chế, nhận thức của người dân về chính sách dân số cũng chưa sâu. Những kiến thức về mang thai, sinh sản và phòng ngừa các yếu tố có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến SKSS còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, người dân thường quan niệm, phải đẻ con trai mới đủ sức khoẻ để đi biển.
![]() |
Cộng tác viên dân số khu dân cư An Thạnh 2 đến nhà dân tuyên truyền thông công tác DS-KHHGĐ. |
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 52 là công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em - KHHGĐ. Ngay sau khi triển khai, Ban DS-KHHGĐ đã tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ bằng nhiều hình thức phong phú. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, theo dõi và quản lý các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Tổ chức các cuộc tư vấn nhóm, nói chuyện chuyên đề cho các nhóm đối tượng về làm mẹ an toàn, chăm sóc SKSS vị thành niên, sàng lọc trước sinh và sơ sinh…
Một điều thuận lợi là, công tác DS-KHHGĐ xã hằng năm luôn được Đảng ủy, UBND xã quan tâm hỗ trợ kinh phí từ 15-20 triệu đồng để triển khai hiệu quả chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản và hoạt động truyền thông. Để góp phần ổn định tỷ lệ tăng dân số trên địa bàn xã, hằng năm Ban dân số xã đã cùng các ban ngành, hội đoàn thể phối hợp thực hiện kế hoạch công tác dân số-KHHGĐ, lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) hằng năm từ 3-4 đợt. Hiện nay, thông qua Đề án, xã được hỗ trợ máy siêu âm nên nhờ vậy đã thu hút nhiều hơn đối tượng chị em tham gia. Hằng năm, có khoảng 500 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong xã được chăm sóc SKSS, cấp phát thuốc và các phương tiện tránh thai miễn phí.
Cùng với đó là đội ngũ cộng tác viên dân số luôn nhiệt tình, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các cộng tác viên không ngại khó khăn vất vả, sắp xếp chuyện gia đình đến từng hộ trong độ tuổi sinh đẻ tuyên truyền vận động. Nhiều gia đình sinh con một bề là gái và những gia đình có người đi biển đã nhận thức được tầm quan trọng của việc dừng lại ở 2 con để nuôi con khỏe dạy con ngoan.
Ngoài ra thông qua duy trì tốt các mô hình câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3; CLB sức khỏe sinh sản- KHHGĐ; mô hình khu dân cư, thôn không sinh con thứ 3 đã từng bước giảm tỷ lệ sinh trên địa bàn xã. Từ một xã có mức sinh con thứ 3 cao trên 10%/năm thì đến nay Bình Trị đã giảm xuống còn 7%.
Cùng với Đề án 52, thời gian qua xã Bình Trị cũng đã tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt Đề án tư vấn chăm sóc sức khỏe vị thành niên, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... Đây chính là cơ hội để người dân vùng biển có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ, giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số vùng biển, để phát triển kinh tế xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi chính sách DS-KHHGĐ và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Bài, ảnh: T.Phong