Phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện: Vấn đề trở nên cấp bách

08:12, 03/12/2017
.
0:00
0:00

(Báo Quảng Ngãi)- Sau sự cố nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) làm tử vong 4 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh và tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ở một số bệnh viện khác, đã đặt ra vấn đề cấp bách là cần phải tăng cường công tác phòng, chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện.

Chủ động phòng, chống

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống NKBV, vì điều trị chuyên khoa sản, nhi nên nguy cơ mắc NKBV cao. Tại các Khoa Hồi sức cấp cứu, phòng sinh, nhi sơ sinh, quy trình phòng, chống nhiễm khuẩn khá chặt chẽ. Các bác sĩ, nhân viên y tế đều sử dụng dung dịch rửa tay khử khuẩn nhanh trước khi tiếp xúc với người bệnh. Tại khu vực phòng mổ đều được vô khuẩn dụng cụ y tế, cán bộ y tế sử dụng trang phục được tiệt trùng. Người nhà bệnh nhân muốn vào thăm bệnh tại khoa nhi sơ sinh đều phải rửa tay, thay trang phục y tế. Tại các khoa phòng đều có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.

Phòng mổ là một trong những khu vực tuân thủ vô khuẩn tuyệt đối.
Phòng mổ là một trong những khu vực tuân thủ vô khuẩn tuyệt đối.


Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi, bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến, cho biết: Khoa Chống nhiễm khuẩn của bệnh viện là đơn vị chủ lực, quán xuyến và chịu trách nhiệm trước giám đốc và lãnh đạo bệnh viện về chống nhiễm khuẩn toàn bệnh viện. Khoa Chống nhiễm khuẩn có trách nhiệm thường xuyên lấy mẫu bệnh phẩm các hệ thống dụng cụ cho trẻ đẻ non, sơ sinh để xét nghiệm, kiểm tra, giám sát và đưa ra những khuyến cáo cần thiết. Đối với các khoa đều có quy trình chặt chẽ, từ rửa tay, rửa dụng cụ, kiểm soát người ra, người vào thăm khám.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với hơn 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày, nên vấn đề phòng, chống NKBVcũng được bệnh viện  chú trọng.

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện có 25 nhân viên, tham gia giám sát, thực hiện các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn môi trường bệnh viện. Phó phụ trách Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BVĐK tỉnh) Nguyễn Huy Lễ, cho biết: Bệnh viện trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện để đảm bảo yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bệnh viện hợp đồng với công ty làm vệ sinh, khử khuẩn, dọn dẹp thường xuyên ở các khoa, phòng, buồng bệnh. Số quần áo, chăn ga ở các buồng bệnh được thay, giặt, khử khuẩn thường xuyên. Hằng năm, bệnh viện đều thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước, thực hiện quan trắc môi trường tại bệnh viện để chủ động giám sát mối nguy...

Vẫn tiềm ẩn mối nguy

Theo các bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến NKBV, nhưng chủ yếu là do môi trường không khí bị ô nhiễm, phương tiện bảo hộ không đảm bảo, sự di chuyển người bệnh từ khoa này đến khoa khác cũng mang theo vi rút lây bệnh...  Đối tượng có nguy cơ NKBV cao là trẻ em, người già, người bệnh suy giảm miễn dịch, thời gian nằm điều trị kéo dài, chịu nhiều thủ thuật xâm lấn, không tuân thủ nguyên tắc vô trùng trong chăm sóc và điều trị, nhất là không tuân thủ rửa tay và sử dụng quá nhiều kháng sinh.

Trong khi đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện, nhất là tuyến huyện còn nhiều bất cập, vệ sinh tại một số bệnh viện chưa tốt... Hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến huyện còn mỏng về nhân lực có chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn, khu vực điều trị chưa được cách ly với bệnh truyền nhiễm...

Tại BVĐK tỉnh, mặc dù được trang bị dụng cụ, trang thiết bị, nhân lực cho công tác phòng chống NKBV khá đầy đủ. Tuy nhiên, về cơ sở hạ tầng bệnh viện hiện nay đang xuống cấp, nhiều khu vực tường thấm nước dẫn đến rêu mốc, không tránh khỏi những tiềm ẩn, rủi ro về NKBV. Bên cạnh đó, hệ thống nhà vệ sinh cũng xuống cấp, ảnh hưởng không tốt đến môi trường bệnh viện.

"Tranh thủ kinh phí đầu tư của tỉnh, bệnh viện đã và đang thực hiện duy tu, sửa chữa tại một số khu vực điều trị, tạo môi trường điều trị tốt hơn cho người bệnh, hạn chế thấp nhất NKBV xảy ra. Phòng, chống NKBV là nhiệm vụ không thể lơ là, do vậy bệnh viện sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát, cũng như có giải pháp để đảm bảo các điều kiện vệ sinh trong bệnh viện", Giám đốc BVĐK tỉnh Phạm Ngọc Lân cho biết.


 Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.