(Báo Quảng Ngãi)- Trước chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng từ liên bộ Giao thông vận tải và Tài chính cũng như UBND tỉnh và Sở GTVT, Sở Tài chính, các doanh nghiệp vận tải (DNVT) trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận giảm giá cước. Tuy nhiên, việc giảm giá lần này so với đà giảm của giá xăng, dầu thì chẳng thấm vào đâu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Rất nhiều nguyên nhân được cả DNVT và cơ quan chức năng đưa ra. Tuy nhiên, có một nguyên nhân mà bất cứ ai cũng nhìn thấy, đó là chúng ta chưa có một chế tài cụ thể đối với các DNVT. Đồng thời, chưa có một cách tính cụ thể và chính xác nào về mức giá cước cần giảm...
Giảm tùy thích
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 25.2, Sở GTVT đã có văn bản gửi các DNVT đốc thúc việc kê khai lại giá cước vận tải và thực hiện điều chỉnh vào ngày 28.2. Thế nhưng, đến chiều 1.3, theo ghi nhận tại Sở Tài chính mới có 9 Hợp tác xã, DNVT khách, 4 hãng taxi và hai đơn vị vận tải đường thủy gửi bản kê khai điều chỉnh giá cước mới theo giá xăng dầu giảm.
Giảm tùy thích
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 25.2, Sở GTVT đã có văn bản gửi các DNVT đốc thúc việc kê khai lại giá cước vận tải và thực hiện điều chỉnh vào ngày 28.2. Thế nhưng, đến chiều 1.3, theo ghi nhận tại Sở Tài chính mới có 9 Hợp tác xã, DNVT khách, 4 hãng taxi và hai đơn vị vận tải đường thủy gửi bản kê khai điều chỉnh giá cước mới theo giá xăng dầu giảm.
![]() |
Cước vận tải giảm nhỏ giọt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là mức giảm chiếu lệ của các hãng taxi trên địa bàn tỉnh. |
Tới thời điểm này, số đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở GTVT và Sở Tài chính còn quá khiêm tốn so với số lượng DNVT đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chỉ có hoạt động vận tải khách là kê khai điều chỉnh, còn lại các DNVT hàng hóa thì chưa thực hiện. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá cước của các DN cũng chẳng thấm vào đâu so với giá nhiên liệu giảm sâu. Thậm chí là chỉ giảm cho có.
|
Tương tự hãng xe khách Bình Tâm giảm 10 nghìn đồng cho chặng TP.HCM - Quảng Ngãi giường nằm và 20 nghìn đồng đối với ghế ngồi tương đương mức giá mới là 280 nghìn đồng/vé ghế ngồi (giảm 3,44%) và 330 nghìn đồng/vé giường nằm (giảm 2,94%). Công ty CP vận tải Thiên Trang giảm 20 nghìn đồng đối với cả giường nằm và ghế với giá kê khai mới là 330 nghìn và 280 nghìn đồng (giảm 6,67%).
Đối với các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tỷ lệ giảm giá cũng chẳng thấm vào đâu. Cụ thể, hãng taxi Mai Linh giảm 300 đồng/km (11.300 xuống còn 11 nghìn/km) đối với taxi giá rẻ cho chặng km1-30 (giảm 2,7%); giảm 200 đồng/km (15.700- 15.500 đồng/km, giảm 1,3%) đối với dịch vụ taxi cao cấp (8 chỗ ngồi). Còn hãng taxi Tiên Sa giảm 400 đồng/km cho chặng từ km 0,5-km30 (tương đương 3%, đối với dòng xe Kia Rio), giảm 200 đồng/km (đối với dòng xe Toyota Innova), giảm 300 đồng/km (đối với dòng xe Kia Moning); còn lại từ km31 trở lên đối với các dòng xe vẫn giữ nguyên.
Riêng tuyến đường thủy Sa Kỳ- Lý Sơn và ngược lại giảm lần lượt 20 và 10 nghìn đồng/lượt. Việc các DNVT hành khách giảm với tỷ lệ khá khiêm tốn như trên cho thấy, việc giảm giá vé chỉ giảm cho lấy có. Bởi theo tính toán từ đầu năm 2016 đến nay xăng dầu tiếp tục giảm sâu, cụ thể: Xăng Ron 92 giảm 4 lần, tổng mức giảm 2.650 đồng/lít (tương ứng 16%); dầu diezel giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đồng/lít (tương ứng 20%).
Doanh nghiệp chây ì hay không có chế tài?
Theo tính toán của Bộ Tài chính, so với ngày 1.7.2015, giá xăng hiện nay đã giảm gần 23%, giúp giá thành xe chạy xăng giảm từ 5,5- 7,7% tùy mức độ tiêu hao nhiên liệu của xe. Tương tự, giá dầu diesel 0,05% cùng thời điểm này giảm 27,5%, giúp xe chạy dầu giảm 8,9- 11,5% chi phí giá thành.
Lợi nhuận từ việc giá xăng, dầu giảm đối với DNVT là rất lớn. Thế nhưng, trên biểu đồ giảm của các DN chẳng tương xứng chút nào. Lý giải chuyện “quên” giảm giá cước, các DNVT cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng giảm liên tục khiến DNVT không thể mãi chạy theo được, mà họ cần phải hoạch toán chi tiết mới có thể công bố giảm giá cước một cách cụ thể. Ngoài ra, mỗi lần xăng tăng giảm rất nhỏ giọt vài trăm đồng, nên phải thận trọng khi thay đổi giá cước. Bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp cần thời gian để tính toán, tốn nhiều chi phí cài đặt đồng hồ, dán decal; bổ sung dịch vụ để bù vào... Bên cạnh đó, những khoản phí cầu đường, phí qua trạm cũng tăng, rồi phát sinh thêm trạm thu phí mới... cũng khiến giá thành vận tải bị đội lên.
Thế nhưng, cũng liên quan đến câu chuyện trên, khi trả lời câu hỏi: "Tại sao lúc xăng tăng DNVT lại nhanh chóng “té nước theo mưa” mà không ngại chuyện tốn kém?", đại diện một DNVT cho rằng: "Cái đó là quyền lợi của DN". Ở đây, vị đại diện DN này đã lờ đi quyền lợi của người tiêu dùng...
Vấn đề đặt ra là giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải nên giảm thế nào cho phù hợp? Một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại chưa có đáp án cụ thể. Bởi, theo cách tính hiện nay còn khá nhùng nhằng. Lý giải chuyện giá cước vận tải của DN mình giảm với tỷ lệ rất thấp, ông Nguyễn Văn Muộn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Taxi Quảng Ngãi cho rằng, thời gian qua mặc dù giá xăng có giảm nhưng trong các yếu tố chi phí cấu thành giá bán của đơn vị BHYT, BHXH, dầu nhờn, khấu hao cơ bản, phí đăng kiểm... hiện ở mức cao nên việc giá xăng giảm không ảnh hưởng nhiều đến giá bán của các đơn vị.
Luật giá quy định khá rõ tại khoản 5, Điều 11: “Doanh nghiệp phải điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ của mình phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá”. Điều này cho thấy, việc giảm giá cước theo giá xăng là nghĩa vụ phải làm của DNVT. Doanh nghiệp không điều chỉnh giá là sai quy định và có thể bị xử phạt. Vậy tại sao đã có quy định mà chúng ta chưa thực hiện được hay nói cách khác là vì sao luật chưa đi vào cuộc sống?
Ông Nguyễn Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô Chín Nghĩa: Giá xăng giảm mạnh nên chúng tôi đã kê khai lại giá cước, mức giảm 20 nghìn đối với 1 vé xe đã là hợp lý. Còn buộc chúng tôi giảm nữa thì rất khó. Trong khi các chi phí khác đều tăng thì làm sao giảm mạnh hơn nữa được. Với lại giá xăng điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày rất bất ổn định. Nếu giảm nữa thì chi phí cho mỗi chuyến xe chỉ có nước hòa vốn hoặc lỗ. Bà Nguyễn Trần Ngọc Chi- Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Duy Anh Ngọc Việt (Sun Taxi): Khi giá xăng giảm trong tháng 1.2016 Sun Taxi đã giảm giá ngay. Theo tính toán biến động giá đến ngày 18.2 giá xăng giảm 2.280 đồng/lít, tác động giảm giá thành/km có khách từ 300- 500đ/km (chi phí xăng chiếm 14- 19%). Tuy nhiên, các yếu tố khác thì tăng như: Thời hạn đăng kiểm không còn một năm mà đã hạ xuống còn 6 tháng; giá phương tiện của các nhà sản xuất tăng từ 3- 5% dẫn đến chi phí tài chính và khấu hao tăng lên; chi phí bảo hiểm phương tiện tăng từ 1,5 lên 2,7%... Do đó, chúng tôi chỉ điều chỉnh ở mức độ cho phép. Anh Nguyễn Anh Kiệt, ở phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi): Với giá xăng dầu giảm sâu như vậy mà các DNVT chỉ giảm một cách nhỏ giọt là không công bằng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân chúng tôi. Giá vận tải tác động rất lớn đến thị trường hàng hóa. Do đó, chỉ khi giá cước vận tải giảm tương ứng với giá xăng thì thị trường mới ổn định. Còn giảm kiểu như 200 đồng/km đối với xe taxi thì chẳng thấm vào đâu. Giảm như vậy thà đừng giảm còn hơn. |
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC