Nơi cuối dòng sông Trà

11:02, 01/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mùa xuân. Vùng hạ lưu sông Trà Khúc nước trong xanh. Những cư dân đôi bờ sông Trà vui đón Tết. Chuyện xưa, chuyện nay cứ thế tuôn trào.  
[links()]
 
Ký ức mùa xuân
 
Ngày giáp Tết, ngồi trong ngôi nhà cổ tròm trèm 100 năm, cụ Huỳnh Hương (89 tuổi), ở thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) như sống lại ký ức về những cái Tết đã qua. Cụ Hương kể, ngày xưa, cuộc sống khó khăn, nhưng “no ngày Tết, hết ngày mùa”, từ tháng Chạp người quê đã rục rịch làm bánh Tết. Những hạt nếp ngự no tròn thu hoạch ở những thửa ruộng sâu, cộng với mía đường cũng từ đồng đất quê nhà là nguyên liệu để làm bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in, bánh tét để cúng gia tiên, để đãi khách.
 
Chở xuân về nhà.  ẢNH: TRƯỜNG LINH
Chở xuân về nhà. ẢNH: TRƯỜNG LINH
Ngày Tết đến, người làng cúng gia tiên rồi xúng xính trong màu áo mới, đi thăm nội ngoại trước khi kéo nhau ra sân đình. Đình làng Tịnh Long xưa làm theo kiểu nhà rường, mái lợp ngói âm dương, trên đỉnh có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Ngày Tết đến là trống giong cờ mở. Các vị bô lão trong làng từ sáng sớm đã tề tựu trước sân đình với áo dài khăn đóng, để cúng bà Thiên Y A Na và các vị tiền hiền. Rồi sau đó, làng tổ chức hát bài chòi. Từ đằng xa đã nghe câu hát “Chín chòi lẳng lặng mà nghe...”.
 
Mùa xuân cũng là lúc làng khai hội đua thuyền. Khi đó, trên quãng sông dài, người làng đã đóng mười hai chiếc cọc tiêu có cờ bay phất phới. Hàng nghìn người đổ về chật bờ sông. Trong tiếng trống dồn, nhà thủy tạ dành cho ban tổ chức (gồm ba chiếc ghe ghép lại, trang trí cờ hoa rực rỡ) rời bờ ra sông, xoay quanh là những chiếc ghe đua bơi vòng tròn như để phò tá trông thật đẹp mắt. 
 
Sau khi định vị nhà thủy tạ, ban tổ chức phát lệnh bằng những hồi trống giục, bốn con thuyền đua chạm khắc hình long, ly, quy, phụng của người dân Tăng Long, Gia Hòa, An Lộc, An Đạo thi nhau rẽ nước bứt phá trong tiếng reo hò, cổ vũ của người làng. Ông Nguyễn Biết (72 tuổi), ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long phấn kích chia sẻ, chú biết không, để có được con thuyền đua ưng ý quả không dễ dàng. Người làng phải lên mạn ngược, chọn mua gỗ sao, kiền kiền rồi đóng bè, xuôi dòng sông Trà Khúc. Đến quãng sông của làng là neo đậu rồi bảo cánh thanh niên khuân vào chất ở sân đình làng. Sau đó, người làng vào Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) mời thợ ra đóng. Thuyền đua, đáy được làm bằng tre cật, trít dầu rái mua từ vùng núi Lớn (Nghĩa Hành). Làm xong, thuyền đua được để trong đình. Chờ đến quãng đầu tháng Chạp là cánh trai làng khiêng thuyền ra sông bước vào mùa tập luyện.  
 
Thuyền bơi nhanh, không chỉ cần sự đồng sức của các tay chèo mà còn phải có sự phối hợp ăn ý giữa người lái với người đánh mũi thuyền. Cũng vì mê theo tiếng trống và nhịp chèo của con thuyền đua, nên khi tuổi cao không thể cầm lái được nữa thì ông Biết trở thành huấn luyện viên và con trai ông, anh Nguyễn Hữu Nghĩa thay cha chèo lái.
 
Đất ngưng bồi thành thổ
 
Trong câu chuyện kể về Tịnh Long, ông Huỳnh Công Minh chợt hát một câu phỏng theo điệu hát sắc bùa: “Nguyễn, Đỗ, Tô, Huỳnh, Trần, Lê, Ngô, Trịnh thiệt người tiền nhơn là thiệt người tiền nhơn”. Ông hát xong rồi lập luận, đâu phải ngẫu nhiên mà cha ông tui chọn vùng cuối sông Trà để an cư lạc nghiệp. Bởi dòng sông Trà hợp nhiều nguồn con nước. Nào sông Rin, sông Re, sông Tang, sông Xà Lò băng qua nhiều ghềnh thác trên vùng đầu nguồn, rồi thong dong nơi vùng cuối sông. Mỗi mùa mưa bão, sông chở nặng phù sa bồi đắp đôi bờ, để người dân trồng lúa, lúa tốt, trồng mía, mía ngọt và những soi bãi trồng dâu xanh bạt ngàn. Rồi cũng trên dòng sông đó, người dân biết lấy tre đan thành bờ xe nước, đóng cọc ngăn sông, đưa nước lên đồng.
 
Cùng với bờ xe nước sông Vệ, bờ xe nước trên sông Trà Khúc với từ 10 đến 12 bánh từng là biểu tượng của người xứ Quảng trong việc "dẫn thủy, nhập điền”. Theo tháng năm, cư dân vùng ven sông hòa nhịp với cơ chế thị trường. Tại xã Tịnh Long, người dân chuyển từ trồng lúa, trồng mía sang trồng bắp, trồng rau đậu. Tiết tháng Chạp trời lấm tấm mưa phùn rau lên xanh tốt, nõn nà. Người người thu hoạch rau màu, bán cho thương lái cung ứng cho thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận.
 
Trong khi đó, vùng Nghĩa Dõng, Nghĩa Hà, ở bờ nam sông Trà, ngoài trồng rau đậu, người dân còn trồng hoa lay ơn, hoa cúc, thược dược bán Tết. Tôi đã từng được nghe cụ Hường Quang Khương, ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), người đầu tiên đem giống hoa hồng Đà Lạt về ghép với hoa hồng dại kể về những mùa hoa khoe sắc cùng những đêm trăng bàng bạc cụ cùng bạn bè bơi thuyền trên sông. Cụ nói say sưa rồi đúc kết, rau đậu có nõn nà, hoa có khoe sắc cũng nhờ dòng sông, nhờ “đất ngưng bồi thành thổ”.  
 
Và không chỉ làm nông nghiệp, cư dân đôi bờ sông từ lâu đóng thuyền ghe đánh bắt cá trên sông Trà. Ở vùng cuối sông nước lợ, các loài cá đối, cá cồi, cá móm, cá căng, cá thài bai và don hến sinh sôi. Mùa xuân, con nước sông Trà trong xanh cũng là lúc ngư dân đôi bờ sông Trà vào mùa đánh bắt cá thài bai. 
 
Hiểu về dòng sông và biết ơn người khai khẩn nên trong mâm cỗ nơi đình làng ven sông Trà Khúc trong lệ Xuân, lệ Thu có nhiều sản vật của đồng quê, của sông, của biển. Bởi có dòng sông phù sa, mới có cánh đồng màu mỡ và dòng sông Trà có nhiều tôm cá, mới nảy sinh nghề đánh bắt hải sản mới có lễ hội đua thuyền. Càng mến yêu quê, người làng càng nhớ công đức của tiền nhân, của các thế hệ dày công xây dựng mới có làng quê “trước sông, sau chợ, giếng kề một bên”...
 
Cảm thức về dòng sông
 
Lâu rồi, trong những ngày xuân, người dân trong tỉnh thường đi chùa Thiên Ấn, thắp hương viếng mộ cụ Huỳnh rồi xuôi về phía biển. Từ khi con đường Hoàng Sa, Trường Sa được xây dựng và khi chiếc cầu treo dây văng Cổ Lũy đưa vào sử dụng càng hấp dẫn khách tham quan. Đứng trên núi Phú Thọ hay núi Thiên Mã nhìn thấy dòng sông Trà lững lờ trôi và chiếc cầu treo dây văng là điểm nhấn. Và xa hơn là những xóm nhà thấp thoáng trong màn mưa cảnh trí đẹp đến nao lòng.
 
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho rằng, ngoài những lễ hội như hội đua thuyền, ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc (tính từ cầu Trà Khúc cũ) xuôi về biển có mật độ di tích, thắng cảnh khá dày. Đó là di tích cổ thành Châu Sa, đền Trương Định, Khu chứng tích Sơn Mỹ cùng những thắng cảnh: Long Đầu hý thủy, Thiên Ấn niêm hà, Cổ Lũy cô thôn... đắm say lòng người. Bây giờ đôi bờ sông có con đường thoáng rộng. Có chiếc cầu dây văng bắc ngang sông càng tôn thêm vẻ đẹp của làng quê vùng cuối sông.
 
CẨM THƯ
 
 
 

.