Bổ sung điều kiện ưu đãi góp phần hiện đại hóa đội tàu

02:11, 10/11/2015
.
0:00
0:00

(Báo Quảng Ngãi)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP (NĐ 89) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (NĐ 67) để phù hợp hơn với  điều kiện thực tế và nhu cầu ngư dân. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ.

-PV:  Nghị định 89 quy định: Khi đóng tàu vỏ thép hay vật liệu mới, ngư dân sẽ được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới và với thời gian trả nợ lên đến 16 năm, trong khi tàu vỏ gỗ vẫn giữ nguyên  mức vay 70%  cũng như thời hạn trả nợ là 11 năm. Ông có thể giải thích thêm về điều này?

Ông Phạm Trường Thọ: Qua nghiên cứu, đánh giá của các ngành chuyên môn thì tàu vỏ thép bền hơn, chống chịu tốt hơn với các điều kiện khắc nghiệt của thiên tai so với tàu vỏ gỗ. Hơn nữa về lâu dài, ngư dân phải vươn đến các ngư trường lớn, đánh bắt xa bờ nên việc hiện đại hóa đội tàu vỏ thép là điều thiết yếu. Mặt khác, sau nhiều lần kiểm tra, khảo sát, Bộ NN&PTNT nhận thấy nhu cầu đóng mới tàu công suất lớn của ngư dân Quảng Ngãi rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn bà con vẫn lựa chọn loại tàu vỏ gỗ nên dù NĐ 67 có nhiều ưu đãi, một số ngư dân vẫn không tham gia mà tự đầu tư kinh phí (vay mượn đầu nậu hoặc vay vốn thương mại). Do đó trong NĐ 89, Chính phủ nâng mức ưu đãi cho tàu vỏ thép nhằm khuyến khích ngư dân đóng mới hoặc bọc vỏ thép cho tàu, góp phần đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 

NĐ 89 sẽ có hiệu lực từ ngày 25.11.2015 và thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư: Đáng chú ý trong nội dung của NĐ 89 là thực hiện thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Theo đó Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nội dung thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư bao gồm: Đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, mức hỗ trợ và trình tự thủ tục hỗ trợ; trong đó mức hỗ trợ đảm bảo tương đương với mức hỗ trợ của chính sách tín dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Tuy nhiên, tàu vỏ thép là loại vật liệu mới, lại yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn nên chưa có cơ sở nào đủ điều kiện để đóng mới hay cải hoán, sửa chữa mà chỉ có một cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu vỏ Composite. Do đó, UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ cơ sở này tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đầu tư, nâng cấp và chuyển giao công nghệ đóng và sửa chữa tàu vỏ thép.

-PV: Ngư dân phàn nàn  yêu cầu lắp đặt máy thủy mới cho tàu cá là chưa phù hợp vì chi phí cao. Vậy Nghị định 89 có thay đổi nội dung này  không, thưa ông?

Ông Phạm Trường Thọ: Nghị định 89 quy định tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới. Riêng những tàu nâng cấp thì có thể sử dụng máy thủy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng sử dụng máy thủy cũ tràn lan, không đảm bảo chất lượng, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có máy thủy (trường hợp cần thiết sẽ có quy định riêng về tiêu chuẩn máy thủy đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam). Theo đó, chất lượng của máy thủy cũ phải đảm bảo từ 80% trở lên so với máy thủy mới; đồng thời yêu cầu ngư dân lắp đặt máy thủy cũ trên tàu cá phải xuất trình các giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm.

-PV: Cùng với chính sách tín dụng, NĐ  89 có bổ sung, thay đổi những chính sách gì nữa, thưa ông?

Ông Phạm Trường Thọ: Nghị định 89 sẽ bổ sung nhiều ưu đãi như ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí các thiết kế mẫu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Hay như chính sách bảo hiểm, Nghị định 89 mở rộng đối tượng thụ hưởng là các đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá tham gia sản xuất trên các vùng biển xa.

Nghị định 89 hứa hẹn sẽ tạo
Nghị định 89 hứa hẹn sẽ tạo "luồng gió mới" cho tàu vỏ thép. Ảnh: Tàu Hoàng Anh 01 là tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh hạ thủy vào năm 2014.


Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, nghiệp đoàn nghề cá và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ hằng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi đoàn viên trong nghiệp đoàn nghề cá làm việc trên tàu. Ngư dân trong các nghiệp đoàn nghề cá được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV, 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
 
 -PV: Xin cảm ơn ông!


MỸ HOA
(thực hiện)





 


.