Muối Sa Huỳnh mặn mà tha thiết...

09:05, 10/05/2010
.

(QNĐT) - Hàng chục năm trời gắn bó với cái vị mặn của muối, cuộc sống của họ đã bện chặt vào cái nghề đã ngấm vào máu thịt của mình. Họ là những diêm dân dãi nắng dầm sương để làm ra hạt muối đem lại vị mặn mà cho cuộc đời thêm phần ý vị.
 
 

*Da đen – Muối trắng
Với 6 nhân khẩu, gia đình ông Phùng Đình Đức ở thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ được nhận khoảng 1.500 m2 ruộng muối. Tuy nhiên, thực chất thì diện tích ruộng muối kết tinh chưa đầy 250 m2. Bởi vì, số diện tích còn lại được dùng vào việc phơi nước biển rồi sau đó mới cho vào ruộng muối kết tinh.

Thu hoạch muối.
Thu hoạch muối.
Do thời tiết bất thường, nên từ đầu vụ đến nay, sản lượng muối của gia đình ông chỉ đạt khoảng 1,5 tấn. Bên cạnh đó, giá muối tư thương mua tại ruộng cũng chỉ có 500 đồng/kg nên cuộc sống gia đình hiện đang gặp nhiều khó khăn vì nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào hạt muối.

Chuyển muối về nhà.
Chuyển muối về nhà.
Vợ của ông là bà Nguyễn Thị Yến phải chở muối đi bán dạo hay đổi lúa ở các xã miền núi của huyện Đức Phổ. Có khi bà còn chở đi bán ở các huyện Ba Tơ và Mộ Đức. Tuy phải chịu nhiều vất vả, nhưng bù lại giá muối bán ra được từ 1.000 – 1.500 đồng/kg.

Riêng đối với gia đình ông Đinh Ngộ ở thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh có 8 khẩu được nhận hơn 1.600m2 ruộng muối. Trong đó, có hơn 300m2 dùng làm ruộng muối kết tinh. Nếu như những năm trúng mùa thì đến thời điểm này ông cũng đã thu hoạch được khoảng 7 tấn thay vì chỉ đạt hơn 2 tấn như hiện nay.

Nguyên nhân là do từ đầu vụ đến nay thường xuyên có mưa, làm cho muối không kết tinh được. Chỉ một trận mưa nhỏ là bao nhiêu công sức đều tan thành bọt nước và phải đến cả chục ngày sau thì muối mới có thể kết tinh. Để có được số lượng muối như trên, bản thân ông và người con trai phải thường xuyên túc trực ngoài đồng muối từ sáng sớm tinh mơ cho đến chiều tối.

Thay vì về nhà ăn cơm và nghỉ giấc trưa thì cha con ông lại phải luôn ở ngoài đồng muối để canh nước, kiểm tra xem muối đã đủ độ kết tinh hay chưa… Tuy phải chịu bao nỗi nhọc nhằn, nhưng cứ mỗi khi nhìn những hạt muối trắng tinh nằm trong lòng bàn tay thì trong ông lại rộn lên cảm giác lâng lâng khó diễn đạt thành lời.

Không chỉ riêng trường hợp của hai cha con ông Ngộ mà tất cả những diêm dân ở “nại muối” cũng đều ở trong hoàn cảnh như thế. Vì phải luôn phơi mình dưới cái nắng chói chang cộng với hơi nước mặn nên da của họ trông cứ đen bóng như đồng.  

*Những cuộc đời bị "nhiễm mặn"
Do thời tiết thất thường cộng với giá muối đang ở mức khá thấp, nên trong vụ muối này đã có nhiều hộ gia đình bỏ hoang ruộng muối để chuyển sang làm những nghề khác. Một số diêm dân thay vì làm muối thì nay lại chuyển sang đi bạn trên những tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ. Số khác lại vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam kiếm sống hay đi chẻ đá thuê ở địa phương.

Nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh - nơi hứa hạn tiêu thụ sản phẩm cho diêm dân nay đã ngừng hoạt động
Nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh - nơi hứa hạn tiêu thụ sản phẩm cho diêm dân nay đã ngừng hoạt động
Giá muối quá thấp nên diêm dân đành gửi tạm ngoài đồng.
Giá muối quá thấp nên diêm dân đành gửi tạm ngoài đồng.
Mặc dù vậy, nhưng đối với ông Phùng Đình Đức thì công việc này đã bện chặt vào cuộc đời của ông và đây cũng được xem là nghề truyền thống của gia đình. Bản thân ông cũng không biết chính xác là dòng họ Phùng nhà ông đã gắn bó với cái nghề này từ khi nào. Ông chỉ biết là khi ông lên 10 tuổi thì đã vác dụng cụ theo cha ra đồng để cào muối. Sau đó, ông tham gia du kích ở địa phương và thoát ly công tác ở tỉnh Đăk Lăk. Nhưng sau khi có vợ thì ông lại chuyển gia đình về sinh sống ở quê và gắn bó với nghề muối cho đến nay.

Hiện tại thì ông đã có hơn 40 năm gắn bó với cái nghề này. Ông cho rằng, việc làm muối hiện nay đã đỡ khổ hơn nhiều so với những năm trước đây. Bởi vì trong những năm vừa qua, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để xây dựng đê bao đồng muối, nên sau mỗi mùa mưa bão diêm dân không phải nai lưng ra đắp bất kể ngày đêm như trước kia.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng ông Đức vẫn không có ý định chuyển sang làm những nghề khác. Đối với ông thì không thể làm sao quên được cái hương vị mặn của nước biển cũng như cái nắng chói chang của trời vì nó đã ngấm vào ông tự bao giờ. Ông chỉ mong muốn là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá và đầu tư bê tông hóa ruộng muối để cải thiện cuộc sống cho những người diêm dân như ông. 

Riêng với ông Đinh Ngộ thì đã có khoảng thời gian gần 60 năm gắn bó với ruộng muối. Ông bắt đầu gắn bó với cái nghề này từ lúc tóc còn để chỏm bằng việc phụ giúp cho cha mẹ trong khâu sửa ruộng, cào muối. Trong thời gian ông tham gia cách mạng ở địa phương vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước ông cũng tiếp tục gắn bó với đồng muối. Lúc này, ông chỉ dám ra đồng muối vào ban đêm. Bởi vì, ban ngày ông còn phải tránh sự truy lùng của Mỹ - Ngụy.

Sau khi quê hương được giải phóng, ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương và gắn bó với hạt muối cho đến tận bây giờ. Ông cho rằng, chỉ đến khi chết đi thì ông mới thôi nghề làm muối. Cũng theo ông Ngộ thì dân “nại muối” như ông khó có thể từ bỏ cái nghề này vì nó đã nuôi sống người dân ở đây từ bao đời nay, hun đúc nên một tình yêu mãnh liệt đối với ruộng muối.

Không chỉ riêng ông Đức và ông Ngộ mà còn có nhiều người khác vẫn đang gắn bó với cái nghề gieo nước biển này. Bởi vì, bản thân họ đã có hàng chục năm gắn bó với đồng muối. Và cũng chính công việc này đã nuôi sống biết bao con người ở mảnh đất này từ bao đời nay.

Hiện tại, trong toàn xã có hơn 850 hộ với trên 3.000 nhân khẩu đang sống dựa vào đồng muối. Họ cũng khá bức xúc vì Nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh đã đóng cửa, ngừng hoạt động, trong khi đó muối làm ra lại không có nơi tiêu thụ.

Nhìn những hạt muối trắng tinh khiết, mang hương vị mặn mà của biển, ít ai có thể nghĩ rằng, để có được những hạt muối đó thì người diêm dân phải trải qua bao nỗi nhọc nhằn. Nhưng rồi họ vẫn cứ tiếp tục gắn bó với ruộng muối để đem lại vị mặn mà cho cuộc đời càng thêm ý vị.

Chia tay đồng muối vào một buổi chiều tháng Năm đầy gió, lòng chợt bâng khuâng khi nghe tiếng hát của cô thôn nữ đang gánh muối trên đồng, “Muối Sa Huỳnh mặn mà tha thiết, như những tấm lòng hiền hậu thủy chung”.

                    Trang Thy

CÁC TIN KHÁC
.