"Máu rừng"... vẫn chảy- Kỳ 2: Tất cả là gỗ... tạp?

10:05, 26/05/2015
.
0:00
0:00

(Baoquangngai.vn)- Sau khi tiếp cận "công trường" khai thác gỗ ở thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, số cây gỗ trên nằm trong diện tích 59 ha đất của 58 hộ dân bị thu hồi để cấp đất cho 60 hộ dân tái định cư thuộc Dự án Hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong. Điều khó hiểu là trong kiểm kê, hầu hết các cây gỗ trên diện tích trên đều là gỗ tạp.

Gỗ giá... bèo
 
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, hàng trăm cây gỗ tại thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ đã bị khai thác, trong đó có nhiều cây gỗ có đường kính cả mét với tuổi đời không dưới một trăm năm. Theo nhiều người dân sống ở đây, thì khu vực này vài năm trước là khu rừng tự nhiên với nhiều cây gỗ quý. Tuy nhiên, nó đã dần biến mất, đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, lợi dụng danh nghĩa khai hoang vườn rừng giao đất cho dân sản xuất, hàng trăm cây gỗ đã bị triệt hạ đưa đi tiêu thụ.
 
Những gốc Chò có đường kính trên cả mét, nhưng vẫn quy hoạch thành gỗ tạp.
Theo người dân cho biết, đây là cây chò có đường kính trên cả mét.
 
Làm việc với Ban quản lý các Dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Quang- Phó Giám đốc ban cho biết, do nhu cầu cấp thiết của việc bố trí tái định cư và định canh cho những hộ dân thuộc dự án hồ chứa nước Nước Trong, nên sau khi được tham mưu, ngày 28.10.2013, UBND huyện Tây Trà đã ra Quyết định thu hồi thu hồi 59 ha đất của 58 hộ dân tại thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ để cấp đất cho 60 hộ dân tái định cư mới.
 
Trên cơ sở đó, Ban quản lý Dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong đã thành lập Hội đồng kiểm kê đo đạt và định giá tài sản trên đất của các hộ dân có đất bị thu hồi. Đồng thời xây dựng phương án bồi thường và giải phóng mặt bằng vườn rừng khu Sà Lác và Suối Y, xã Trà Thọ.
 
Nhiều loại gỗ Quý vẫn được quy thành gỗ tạp.
Nhiều cây gỗ  được xẻ thành ván với bề ngang gần 80cm, thế nhưng không hiểu sao trong kiểm kê thì khu vực này toàn cây không có giá trị.
 
Điều đáng nói, trong phương án bồi thường và giải phóng mặt bằng vườn rừng khu Sà Lác và Suối Y, xã Trà Thọ của Ban quản lý Dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong thì tổng số cây gỗ trên diện tích 59 ha của 58 hộ dân chỉ có 686 cây, với đường kính từ 15cm đến 60cm. Tổng lượng gỗ được quy ra chưa tới là 909m3. Và càng lạ hơn là qua kiểm kê, tất cả các cây gỗ trên diện tích 59 ha này không có loại nào có giá trị mà chỉ toàn là gỗ tạp, và tổng số tiền đền bù mà Ban quản lý chi trả cho 58 hộ dân có cây gỗ này chỉ có 274 triệu đồng. Như vậy, quy ra một m3 gỗ trị giá chưa tới 300 ngàn đồng.
 
 
Do thiếu chuyên môn trong kiểm kê?
 
 
Tình trạng khai thác gỗ diễn ra rầm rộ tại thôn Nước Biết, xã Trà Thọ, mặc dù trước đó vài ngày lực lượng công an đã bắt 7 xe tải chở gỗ ưừ kyu vực này.
Tình trạng khai thác gỗ diễn ra rầm rộ tại thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, mặc dù trước đó vài ngày lực lượng công an đã bắt  giữ 4 xe tải chở gỗ khai thác từ khu vực này.
 
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quang- Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong cho biết, hội đồng thẩm định, kiểm tra tài sản trên đất bao gồm Ban quản lý Dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, cán bộ địa chính xã, thôn trưởng thôn Nước Biếc và các chủ hộ có đất... Tuy nhiên, do hầu hết thành phần trong tổ kiểm kê này đều thiếu chuyên môn, kinh nghiệm trong lâm nghiệp nên đã không xác định được loại gỗ nào có giá trị nên quy thành gỗ tạp cho dễ bồi thường?
 
Ở đây, chúng tôi chưa đề cập đến việc có được phép hay không được khai thác những loại cây gỗ có giá trị có tuổi đời hàng trăm năm chỉ vì với lý do lấy đất để giao cho dân sản xuất, mà chúng tôi chỉ nói về mặt giá trị kinh tế thực tế khi định giá của những loại cây gỗ này. Nếu hội đồng thẩm định kiểm kê xác định đúng loại gỗ, đường kính thì khối lượng gỗ sẽ tăng khá nhiều chứ không phải chỉ con số 909m3, và số tiền bồi thường cũng sẽ gấp nhiều lần số tiền 274 triệu mà người dân đã được nhận.
 
Việc khai thác gỗ tại thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ trong thời gian dài đã gây phản ứng mạnh từ nhân dân, cán bộ xã cho đến huyện. Điều đáng nói, lợi dụng việc khai hoang vườn rừng giao đất cho dân, nhiều đối tượng đã triệt hạ cả những cây gỗ rừng không nằm trong diện tích quy hoạch. Trong khi đó công an Quảng Ngãi cũng đã vào cuộc bắt giữ nhiều xe vận chuyển chở gỗ tại thôn Nước Biếc và đang tiến hành xác minh, điều tra làm rõ tính hợp pháp của số gỗ trên thì tình trạng khai thác gỗ vẫn tiếp tục diễn ra. Vậy, cơ quan chức năng đã nói và phản ứng thế nào về tình trạng khai thác gỗ trên, mời đón đọc kỳ tới: Cơ quan chức năng nói gì?
 
 
 
Thủ tướng Chình phủ vừa phê duyệt đề án “Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020” nhằm quản lý chặt chẽ khai thác gỗ rừng tự nhiên, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
 
Mục tiêu cụ thể của đề án là sau năm 2020, sẽ tạo được những khu rừng sản xuất có chất lượng tốt đủ điều kiện khai thác bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ rừng tự nhiên cho tiêu dùng trong nước và từng bước thay thế gỗ nhập khẩu.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ khâu chế biến, mua bán gỗ để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ, sử dụng gỗ bất hợp pháp. Cụ thể, rà soát, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, chỉ cho phép hoạt động đối với các cơ sở đúng quy hoạch, có nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo hệ thống sổ sách đáp ứng cho công tác truy xuất, kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp; hạn chế hình thành mới đối với các cơ sở chế biến, mua bán gỗ; giải tỏa và không hình thành mới các cơ sở chế biến gỗ ở trong rừng và gần rừng tự nhiên; cương quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở chế biến gỗ vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
 
Cùng với đó là giám sát chặt chẽ trong khai thác sử dụng gỗ rừng tự nhiên của hộ gia đình, cá nhân được giao rừng. Hộ gia đình, cá nhân chỉ được sử dụng gỗ cho nhu cầu thiết yếu tại chỗ, nghiêm cấm việc mua bán trao đổi dưới mọi hình thức. Khối lượng gỗ khai thác tối đa 10 m3/hộ/lần, nhưng không được lạm vào vốn rừng.
 
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn-Th.Hậu

 


CÁC TIN KHÁC
.