Giá dịch vụ "nóng" theo Tết

05:02, 11/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ còn  hơn một tuần nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Ai ai cũng tranh thủ những ngày cuối năm để hoàn tất việc chuẩn bị, sắm sửa mọi thứ cho đủ đầy và mới mẻ để đón Tết. Chính vì vậy mà giá các dịch vụ về vận chuyển, làm đẹp, ăn uống… có cơ hội “leo thang”.

Khoảng đầu tháng Chạp, khi dòng người mua sắm bắt đầu tấp nập thì đó cũng là “thời điểm vàng” để các bãi giữ xe ở khu vực chợ tạm Quảng Ngãi “hốt bạc”. Chúng tôi có mặt tại chợ tạm lúc 10 giờ sáng, bãi giữ xe ở đầu khu A với diện tích hơn 1.000m2, gần như chật kín. Ngày thường, trung bình một lượt giữ xe là 3.000 đồng, nhưng đến đầu tháng Chạp thì số tiền tăng lên là 4.000- 5.000 nghìn đồng/lượt. Khi được hỏi về việc giá giữ xe lại tăng “vô cớ”, anh Phạm Văn Lưu người giữ xe ở chợ tạm gần 2 năm, giải thích như một điều đương nhiên: “Tết mà, cái gì chẳng tăng. Mình cũng phải tranh thủ chứ”.

Giá giữ xe ở chợ tạm Quảng Ngãi tăng gần gấp đôi so với ngày thường.
Giá giữ xe ở chợ tạm Quảng Ngãi tăng gần gấp đôi so với ngày thường.


Chị Nguyễn Thị Thủy ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) vừa lấy xe ra khỏi bãi, vừa suýt xoa vì giá giữ xe lại tăng: “Mình cũng đã chuẩn bị tâm lý rồi. Tết mà… Nhưng cứ nghĩ tầm 22 tháng Chạp mới lên giá, không ngờ nay đã tăng rồi”. Cùng chung nỗi niềm với chị Thủy, anh Nguyễn Anh ở phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi) cũng bị “chặt chém”  khi rửa xe ở một tiệm rửa xe máy trên đường Nguyễn Công Phương (TP. Quảng Ngãi). Ngày thường, giá rửa một chiếc xe máy chỉ tầm 15.000 đồng, xe ô tô là 60.000 đồng nhưng đến đầu tháng Chạp, giá tăng từ 5.000 – 20.000 đồng/chiếc.

Gần Tết, dù biết giá các dịch vụ sẽ tăng nhưng người dân không còn sự lựa chọn nào khác, đặc biệt là với các dịch vụ làm đẹp. Đến vài studio, các tiệm làm tóc trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, giá của các dịch vụ như chăm sóc móng, phục hồi tóc hư tổn, uốn, duỗi, nhuộm đều tăng từ 20.000-50.000 đồng. Dù không mấy hài lòng về việc tăng giá ngày cận Tết, nhưng với “điệp khúc” quen thuộc này ở những năm trước nên người dân cũng không bỡ ngỡ gì khi bị “hét” giá trên trời.

Xu thế tăng giá theo ngày Tết không chỉ riêng ở trung tâm TP. Quảng Ngãi mà ở những vùng quê, nông thôn, giá cả dịch vụ cũng tăng không thua kém gì. Gần cuối năm, gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) tranh thủ mua một cái tủ mới để trang hoàng nhà cửa. Thế nhưng, chưa kịp mừng vì cái tủ mua trúng đợt giảm giá cuối năm thì tiền vận chuyển lại đắt đỏ hơn ngày thường. Chú Tuấn tặc lưỡi: Xăng giảm mà giá xe thồ hàng thì lại tăng, chẳng hiểu được”. Còn ở các quầy sửa quần áo, giày dép… trong các chợ quê, giá cũng tăng nhẹ, trung bình từ 2.000- 4.000 đồng. Người khó tính thì “vặn vẹo” dăm ba câu vì việc tăng giá, còn đa phần thì đều ngậm ngùi cho qua.

Những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại, vận chuyển cao khiến giá xe “đẩy lên” từng ngày mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh. Ông Nguyễn Đức Trí (56 tuổi), ở xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) có thâm niêm lái xe ôm hơn 20 năm, cho biết: “Ngày thường, anh em xe ôm thường lấy giá 3.000-5.000 đồng/km, tùy quãng đường. Còn đến tháng Chạp, đặc biệt là những ngày cận Tết thì theo mặt bằng chung mà giá lên chút đỉnh từ 4.000- 6.000 đồng”. “Hành nghề” cả năm nhưng đối với những người như ông Trí, dịp cuối năm là thời điểm làm ăn, trung bình một ngày, ông kiếm khoảng 200.000-300.000 đồng.


Ở thời điểm này, các dịch vụ về ăn uống giải khát… giá cả vẫn chưa biến động. Nhưng khả năng những ngày sắp đến, giá cả các dịch vụ ăn uống sẽ tăng mạnh. Cô Nguyễn Thị Nguyệt, chủ quán bún ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) có hơn 10 năm kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho biết:  “Tầm 26 tháng Chạp là chắc giá sẽ lên rồi. Gần Tết, thịt lên, trứng, chả, rau đều tăng giá…, chưa tính đến việc trả tiền cho nhân viên phục vụ cao hơn ngày thường. Không lên giá thì chỉ có lỗ”. Có thể, giá thực phẩm tăng chỉ ở mức nhẹ nhưng các chủ quán lại “bám” vào ngày Tết để các dịch vụ ăn uống tha hồ “nhảy múa”. Như mọi năm, những ngày Tết dịch vụ ăn uống đều tăng mạnh (từ 5.000-10.000 đồng), thậm chí gấp đôi.

Tết đã cận kề, bên cạnh niềm vui khi sắp chào đón một mùa xuân mới thì người dân còn khá nhiều nỗi lo, đặc biệt là giá cả thị trường. Khó mà không sử dụng dịch vụ trong những ngày Tết, nhưng để tránh là nạn nhân cho việc “chặt chém” quá đáng, người tiêu dùng nên hỏi giá cả trước khi sử dụng dịch vụ, nếu đắt đỏ, không phù hợp với túi tiền chúng ta có thể tìm một địa điểm khác, phù hợp và tin cậy hơn.
 
Bài, ảnh: HIỀN THU
 

.