Sắm lễ tiễn ông Táo về trời

05:02, 11/02/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Theo quan niệm truyền thống của người Việt, 23 tháng Chạp hằng năm là ngày Táo Quân về trời (ông Công ông Táo) dâng tấu với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của các gia đình dưới hạ giới trong một năm qua. Bởi thế, ngày này trở thành một ngày vô cùng đặc biệt của người Việt.

TIN LIÊN QUAN


Người Việt tin rằng, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện của gia đình cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho gia đình được nhiều điều may mắn trong năm mới, dù giàu hay nghèo nhà nào cũng làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng. Lễ cúng thường diễn ra từ đêm 22 đến 12 giờ trưa 23 tháng Chạp, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem phóng sinh.

 

Hàng mã đắt khách ngày cúng ông Táo.
Hàng mã đắt khách ngày cúng ông Táo.


Trong khi người miền Bắc thường làm lễ cúng cầu kì thì người miền Trung đơn giản hơn. Thường thì nghi lễ cúng chỉ là hoa quả, trầu cau, rượu, bánh truyền thống, vàng mã cá chép để làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Khảo sát tại các chợ, sáng 22 tháng Chạp sôi động người mua. Năm nay thị trường đồ cúng lễ có vẻ “mềm”. Việc mua bán diễn ra rất nhanh, không ai cò kè trả giá, mặc cả, than phiền vì nghĩ cúng thần linh là việc thiêng.

Thường thì khách hàng mua cả hai bộ giấy cúng tiễn và rước ông Táo. Một bộ giấy cúng tiễn chỉ có giá 15.000 đồng gồm trầu, cau, vàng mã và 3 con cá chép nhỏ. Cá chép lớn có giá 15.000 đồng/con.

Bộ quần áo, hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn có giá 55.000 đồng. Các mẫu điện thoại như iPhone 6 có giá bán trên dưới 50.000 đồng, biệt thự, xe máy, ô tô từ 150.000-200.000 đồng ít người hỏi mua.

 

kh
Khách hàng mua cá chép về cúng ông Táo.



Theo chị Lan - một người kinh doanh những mặt hàng này ở chợ tạm Quảng Ngãi cho biết: “Đa số bà nội trợ chỉ mua những lễ vật thông thường còn quần áo, iPhone, biệt thự, xe máy, ô tô chỉ dành cho số ít khách hàng khá giả, kinh doanh, buôn bán lớn hỏi mua”.

Mặt hàng hoa, quả cũng chưa có dấu hiệu tăng giá đột biến. Thường khách hàng chọn hoa cúc đất có giá 1.500- 3.000 đồng/bông để cúng. Cùng với các lễ vật thông thường, mặt hàng cá chép đỏ giống Nhật, Ấn Độ cũng được nhiều khách hàng hỏi mua.

Ngày này, trại cá giống của anh Nguyễn Văn Sang ở phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi sôi động bởi khách hàng đến mua cá về cúng ông Táo thả phóng sinh.

Loại cá chép đỏ cỡ 6-7cm được ưa chuộng vì giá cả phải chăng 3.000 đồng/con nên có người mua vài chục con cũng có người mua vài trăm con. Nhiều gia đình thích thả hẳn cá chép to loại 20.000- 50.000 đồng/con. Cũng không ít gia đình chọn loại cá nuôi hơn 2 năm, đuôi to, vây dài, cỡ này có giá 300.000 đồng/con.

“Giá bán của các loại cá không tăng so với năm ngoái. Khách hàng mua cá chép về cúng ông Táo thường người người gốc miền Bắc, người Hoa. Có nhiều chủ doanh nghiệp mua đến vài triệu đồng”- anh Sang cho hay.

 

Cá chép
Cá chép giống đỏ được nhiều khách hàng ưa chuộng.



Sở dĩ loại cá chép Nhật được ưa chuộng bởi không chỉ về tâm linh mà còn điều kiện sinh trưởng. Chúng lớn nhanh, có hình dáng đẹp và màu sắc bắt mắt. Đặc biệt, đây là loại cá dễ nuôi, có khả năng thích nghi mọi điều kiện nhiệt độ. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cá chép vẫn có thể sống và phát triển bình thường. Chúng được lai tạo với cá chép Hungari nên có màu đỏ, được coi là biểu tượng của sự giàu có và thành công.
 
“Cầu kì là vậy, tuy nhiên, việc mua bán đồ thờ có tốn kém và công phu một tí cũng không nên so đo. So với việc đốt vàng mã thì phóng sinh mình nghĩ hay hơn ở khía cạnh tái tạo nguồn lợi thủy sán”- một khách hàng của anh Sang chia sẻ.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.